Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Các chính sách hỗ trợ Covid-19 đảm bảo dễ hiểu, dễ làm và dễ thụ hưởng
Trong nước - Ngày đăng : 19:29, 10/11/2021
Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Nội dung chất vấn Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung vào việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả; công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt; giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn |
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp an toàn
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề cập, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã sử dụng 38 nghìn tỷ đồng trong tổng số 90 nghìn tỷ đồng mà dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Vậy tình hình xấu hơn thì quỹ có hết kết dư?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hoàn toàn không hết kết dư. Thực tế, đến hết 2020, Quỹ kết dư 94 nghìn tỷ đồng. Theo thông thường, kết dư của các quỹ ngắn hạn chỉ khoảng 10%. Như vậy Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư tương đối tốt, độ an toàn cao. Năm 2020, Quỹ chi ¼ số kết dư này.
Trong bối cảnh hiện tại thì người lao động cũng như chủ sử dụng lao động hết sức khó khăn mà để quỹ kết dư lớn như vậy cũng không ổn. Vậy nên sau khi đánh giá tác động để quỹ đảm bảo kết dư an toàn trong 5 năm tới thì thấy là có cơ sở để báo cáo các cấp có thẩm quyền. Sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến, ra Nghị quyết đồng ý sử dụng 38 nghìn tỷ đồng từ quỹ này để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. “Sau khi sử dụng 38 nghìn tỷ đồng này thì Quỹ còn khoảng 56 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần tổng thể yêu cầu chi của 5 năm tới nên hoàn toàn có thể yên tâm với quỹ này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Làm từ thiện đúng pháp luật
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn là những “lùm xùm” trong hoạt động từ thiện vừa qua. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đặt câu hỏi về hướng xử lý hoạt động hỗ trợ từ thiện thiếu minh bạch như thế nào?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nguyên tắc là Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia làm thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, gặp thiên tai, địch họa. Nhà nước cũng quy định 2 cơ quan tham gia việc kiểm tra, giám sát hoạt động này là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Theo Nghị định 64, đây là 2 cơ quan đứng ra tổ chức các hoạt động này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, pháp luật chưa quy định cụ thể hoạt động huy động tiền thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức khác thế nào, khâu cấp phát ra sao.
“Về cơ bản, vừa qua, các tổ chức cá nhân đã thực hiện việc mua, chuyển hàng đến người dân khó khăn. Chúng tôi chủ trương khuyến khích nhưng làm từ thiện phải trên cơ sở có nguyên tắc, quy định pháp luật. Vậy nên từ thực tế vừa qua, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 64 bằng Nghị định 93, nêu rõ cách làm, huy động bằng tiền, quyên góp hiện vật thì đều có hướng dẫn cụ thể. Tôi tin khi Nghị định 93 có hiệu lực, hoạt động này sẽ vào nền nếp”, Bộ trưởng nói.
Thông tin thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị định 64/2008 về hoạt động từ thiện đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm và đã được khắc phục bằng Nghị định 93 vừa ban hành.
Nghị định 93 đã quy định rõ các đối tượng từ MTTQ Việt Nam đến Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động vận động tài trợ, thiện nguyện, việc phân bổ các vật tư, hàng hóa cho đối tượng được thụ hưởng; phải ghi chép cụ thể các chi tiêu; được mở các tài khoản với từng đợt huy động và sau vận động phải đóng tài khoản; quy định chế độ báo cáo một cách chặt chẽ như trước khi vận động phải đăng ký với UBND nơi vận động, trong vòng 3 ngày...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên chất vấn |
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, hiện, Bộ Công an đang giao Cục Cảnh sát hình sự xem xét các nguồn tin về việc sử dụng tiền cứu trợ người dân trong đợt mưa lũ ở miền Trung năm 2020. Cục đang phối hợp với các ngân hàng để rà soát hoạt động tiếp nhận quyên góp của các nghệ sĩ, việc chi tiêu từ các tài khoản này. Cục cũng phối hợp với các địa phương để xem xét việc giải ngân tiền từ thiện tới người dân.
Hiện, Công an TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 6 đơn tố giác của công dân về những sai phạm trong việc sử dụng tiền từ thiện của các nghệ sĩ, mọi hoạt động đang thực hiện theo đúng quy trình pháp luật. Việc tiếp nhận, phân bổ các nguồn tiếp nhận từ thiện cũng được tổng kết để tham mưu ban hành Nghị định 93 vừa qua.
Hỗ trợ cho F0, trẻ em và các nghệ sỹ có thỏa đáng?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc chậm triển khai gói hỗ trợ, thiếu công khai minh bạch và còn máy móc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay ngay sau khi có đại dịch, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chính sách. Tuy nhiên, do đây là việc chưa có tiền lệ, nên đã làm với tốc độ "người dân đang đói đừng hi vọng về nhà", nên các chính sách này tập trung xây dựng, trừ những nội dung nào vượt thẩm quyền đã quy định.
"Tôi xin đính chính lại, tất cả thủ tục, quy định trong Nghị quyết 68 là thông thoáng nhất có thể rồi, không thể thông thoáng hơn được nữa. Doanh nghiệp không phải kê khai gì cả, tự động chuyển tiền vào tài khoản. Phương châm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và dễ thụ hưởng. Trong quá trình làm có 2 vướng mắc là ở Bình Dương và xác định thủ tục thuế, đã thực hiện sửa ngay. Đồng thời, quá trình tổ chức thực hiện còn nơi này nơi kia cứng nhắc, máy móc.
Chỉ riêng hỗ trợ người F0, cho trẻ em ăn với 80.000 đồng, có địa phương kiến nghị tới Bộ trưởng 3 trang giấy toàn nêu khó khăn. Tôi phải giải thích, đồng chí cứ làm đi, F0 và trẻ em ăn, ai không thanh toán thì tôi chịu trách nhiệm. Có tình trạng các địa phương sợ sai, sợ trách nhiệm là có, có lỗi tuyên truyền phổ biến không kỹ, nhưng cơ bản là chặt chẽ, không thể hơn được nữa đâu", Bộ trưởng nói.
Với vấn đề trục lợi chính sách, làm sao để kiểm tra, giám sát mà đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định đã phân công rõ trách nhiệm của từng Bộ ngành, địa phương. Nhiều ngành đã kiểm tra về an sinh, hỗ trợ, Thủ tướng cũng chỉ đạo trực tiếp Bộ, tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra ở 33 tỉnh thành phố, kết quả là có tình trạng trục lợi.
Gói Nghị quyết 42 phát hiện xử lý 4 trường hợp, có địa phương cách chức cả Bí thư, Chủ tịch mặt trận, Bí thư đoàn thanh niên khi để người nhà vào danh sách; với Nghị quyết 68 khởi tố hình sự 2 trường hợp, đưa người không có trong danh sách vào để hưởng lợi; lập danh sách khác. "Không tránh được nhưng cơ bản địa phương đảm bảo công khai, minh bạch và đúng đối tượng", Bộ trưởng nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đưa ra vấn đề chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) về việc dư luận không đồng tình khi một số nghệ sĩ có thu nhập cao được nhận trợ cấp khó khăn vì dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng Nghị quyết 68 của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề nghị hỗ trợ hai đối tượng: hướng dẫn viên du lịch và văn nghệ sĩ hạng IV, đa phần là nghệ sĩ trẻ, mới vào nghề.
Qua khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số lượng nói trên khoảng 2.000 trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ sau đó đã thảo luận và đồng ý với chính sách của Bộ Văn hóa. “Chính sách này phù hợp, căn cứ trên 3 yếu tố: đời sống khó khăn, mức lương thấp; có thời gian giãn cách xã hội hoặc dừng hoạt động trong 15 ngày trở lại; gặp khó khăn trong dịch Covid-19″, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong thời gian tổ chức thực hiện, có một địa phương khi xét 33 trường hợp có 3 nghệ sĩ chưa phù hợp nhận tiền trợ cấp khó khăn vì dịch Covid-19. “Các nghệ sĩ này cũng thuộc đối tượng kể trên nhưng có cuộc sống khá hơn. Trong quá trình rà soát đã bỏ rơi yếu tố thứ ba là cuộc sống khó khăn. Vì thế, dư luận không đồng tình trước các trường hợp này. Hiện, trong số 2.000 trường hợp, đã hỗ trợ được 1.590 người. Đến giờ này, chính sách là đúng nhưng quá trình tổ chức thực hiện có vấn đề, cần chú ý rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.