Phụ nữ phải chịu gánh nặng của khủng hoảng khí hậu

Thế giới - Ngày đăng : 16:49, 10/11/2021

(TN&MT) - Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), nhiều đại biểu là phụ nữ cho rằng, phụ nữ có vai trò quan trọng trong hành động vì khí hậu.

Nhà hoạt động Samoan Brianna Fruean chia sẻ trên bục của Hội nghị toàn thể COP26 hình ảnh Little Amal, một con rối khổng lồ đại diện cho một cô gái tị nạn Syria. Ảnh: UN News

Giải quyết biến đổi khí hậu là vấn đề “công lý”

“Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra nhanh chóng là vấn đề công lý và bình đẳng với những người dễ bị tổn thương nhất và bị ảnh hưởng nhiều nhất, bao gồm các cộng đồng bản địa, các nước kém phát triển và trọng tâm của chúng ta ngày nay và hàng ngày là phụ nữ”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trao đổi với các đại biểu tại phiên họp toàn thể của COP26.

Bà Pelosi đã đưa phái đoàn Quốc hội Mỹ lớn nhất từ ​​trước đến nay tham dự COP và thông báo rằng, vào cuối năm nay, Quốc hội Mỹ có kế hoạch thông qua luật tăng gấp đôi tài chính khí hậu quốc tế.

Một trong số đó là Dân biểu Alexandra Ocasio Cortez, được biết đến là người phụ nữ trẻ nhất phục vụ trong Quốc hội Mỹ và là người có tiếng nói và tích cực về hành động và luật pháp về khí hậu. Bà Cortez nhấn mạnh việc phụ nữ tham gia vào cuộc chiến chống BĐKH là rất quan trọng.

Từ Nam Mỹ đến Bắc Cực, BĐKH đang ảnh hưởng đến phụ nữ

Đề cập đến vai trò của phụ nữ trong cuộc chiến chống BĐKH, bà Immaculata Casimero, một nhà hoạt động bản địa đến từ Wapichan ở Guyana hiểu rõ điều đó hơn bất kỳ ai và đó là lý do tại sao bà làm việc để trao quyền cho phụ nữ trong cộng đồng của mình.

“Chúng tôi tổ chức các khóa đào tạo vì mong muốn sẽ có nhiều phụ nữ hơn đóng vai trò lãnh đạo. Ở vai trò lãnh đạo trong cộng đồng, hầu hết chỉ có nam giới tham gia, điều đó cần thay đổi. Phụ nữ có thể lãnh đạo tốt hơn nam giới, phụ nữ đóng vai trò chủ đạo trong gia đình của mình, phụ nữ nuôi dưỡng trẻ em. Phụ nữ có vai trò quan trọng trong sự tồn tại của nhân loại”, bà Casimero trả lời phỏng vấn UN News.

Bà cũng cho rằng, phụ nữ bản địa là người truyền đạt kiến ​​thức truyền thống cho các thế hệ mới, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu.

Cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng đến quê hương của bà Casimero, nơi đã mất vài ha trồng sắn trong năm nay do lượng mưa lớn và bất ngờ, trong khi đó là nguồn thu nhập chính của họ. Cuộc khủng hoảng còn dẫn đến tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Toàn bộ hệ thống canh tác và nông nghiệp bị gián đoạn bởi biến đổi khí hậu và người dân không có bất cứ thứ gì khác kiếm sống.

Hạn hán nghiêm trọng và ngày càng gia tăng ở Somalia đã khiến nhiều người phải di cư, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và khiến phụ nữ dễ bị bóc lột tình dục. Ảnh: IOM/Celeste Hibbert

Tương tự, người Sami, một dân tộc nói tiếng Finno-Ugric sinh sống ở vùng Sápmi, ngày nay bao gồm phần lớn khu vực phía Bắc của Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, cũng đang trực tiếp trải qua cuộc khủng hoảng khí hậu.

“Biến đổi khí hậu ở Bắc Cực đang diễn ra rất nhanh. Thời tiết đang thay đổi và rất không ổn định, mùa đông của chúng ta không ổn định, băng không đóng băng. Tất cả kiến ​​thức truyền thống của chúng ta về cách quản lý cảnh quan cũng đang thay đổi”, nhà hoạt động trẻ Maja Kristine Jama cho biết khi phát biểu tại COP26.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới, nhà hoạt động Elle Ravdna Nakkakajarvi cũng cho biết: “Hãy lắng nghe chúng tôi. Đừng “hứa suông” vì chúng ta là những người cảm nhận rõ biến đổi khí hậu và chúng ta có kiến ​​thức về các vùng đất và vùng biển trong khu vực của mình, đồng thời, chúng ta có thể đưa ra các giải pháp”.

Mai Đan