Bộ TN&MT phối hợp, đẩy mạnh công tác giám định tư pháp
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:38, 10/11/2021
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bùi Thị Minh Thủy cho biết, thực hiện Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, ngày 31/8/2021, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 15/2021/TT-BTNMT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT. Để triển khai công tác này, ngay từ đầu năm 2021, Vụ Pháp chế đã trình Bộ trưởng ký Quyết định Công bố công khai danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và người giám định tư pháp của Bộ TN&MT. Quyết định này được công bố công khai trên Cổng Thông tin của Bộ và gửi Bộ Tư pháp.
Đến nay, Bộ TN&MT nhận được 25 Quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan ở Trung ương và địa phương. Cụ thể, lĩnh vực đất đai có 10 Quyết định trưng cầu giám định (chiếm 40%), hiện 3 vụ việc đã có kết luận; lĩnh vực khoáng sản có 12 Quyết định trưng cầu giám định (chiếm 48%), hiện 5 vụ việc đã có kết luận; lĩnh vực môi trường có 3 Quyết định trưng cầu giám định, hiện 1 vụ việc đã có kết luận.
Đối với nhiệm vụ cử giám định viên, trên thực tế, tất cả Quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan tố tụng đều đề nghị Bộ TN&MT giới thiệu, cử giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc để thực hiện, chưa có trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu trực tiếp với tổ chức, người giám định tư pháp của Bộ TN&MT…
Cũng theo Phó Vụ trưởng Bùi Thị Minh Thủy, thời gian qua, các đơn vị trong Bộ đã phối hợp, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác giám định tư pháp theo đúng thẩm quyền và quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp một số vướng mắc như: Việc cử người giám định tư pháp theo vụ việc của các đơn vị trong Bộ và việc ban hành Quyết định giám định còn chậm so với quy định; một số giám định cần phân tích mẫu nên thời hạn bị kéo dài; việc trưng cầu giám định của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế…
Sau khi nghe các đơn vị trong Bộ báo cáo về tình hình thực hiện công tác giám định tư pháp, tiến độ, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đối với từng vụ việc cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa chỉ đạo, Vụ Pháp chế là đơn vị đầu thực hiện công tác giám định tư pháp của Bộ. Thực hiện nhiệm vụ này, Vụ Pháp chế sẽ làm công văn đề xuất các đơn vị trong Bộ cử Giám định viên theo đúng trình tự, thủ tục. Đồng thời, liên hệ, trực tiếp trao đổi công việc với cơ quan Cảnh sát điều tra theo đúng thẩm quyền và báo cáo lãnh đạo Bộ nếu gặp khó khăn. Hơn nữa, Vụ Pháp chế sẽ tổng hợp, đề xuất kinh phí thực hiện công tác giám định tư pháp của Bộ trong thời gian tới.
Khi có hồ sơ giám định gửi về Bộ, Vụ Pháp chế tiếp nhận và chuyển cho các đơn vị. Các đơn vị chủ động đề xuất giám định theo vụ việc hoặc giám định theo tổ chức. “Hiện nay, hàng tháng Bộ TN&MT có báo tổng hợp kết quả giám định tư pháp của Bộ gửi Ban Nội chính Trung ương. Chính vì vậy, đề nghị các đơn vị trong Bộ, định kỳ vào ngày 25 hàng tháng phải gửi báo cáo công tác cụ thể để Vụ Pháp chế tổng hợp báo cáo, trình lãnh đạo Bộ”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng nhấn mạnh.