Đảm bảo minh bạch về giá trang thiết bị y tế, giá xét nghiệm COVID-19
Trong nước - Ngày đăng : 08:33, 10/11/2021
Liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Trong đó, giá xét nghiệm COVID-19 là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua.
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long |
Theo ông Nguyễn Thanh Long, bên cạnh giải pháp tăng nguồn cung, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý giá trang thiết bị, giá xét nghiệm như hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp cung ứng công khai giá trang thiết bị y tế. Hiện trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế, đã có trên 1.600 doanh nghiệp thực hiện công khai giá bán.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn gộp mẫu nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, tiết kiệm chi phí…
Theo Bộ Y tế, số lượng xét nghiệm được cấp phép tăng nhanh, từ 41 lên đến 131 bộ test; xét nghiệm kháng nguyên cũng tăng nhanh từ 8 test lên 60 test trong tháng 10. Dù giá xét nghiệm trung bình do các công ty công bố cũng đã giảm nhiều, song Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận “giá xét nghiệm vẫn còn nhiều mức”.
Để quản lý hiệu quả trong thời gian tới, theo ông Long, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định về quản lý trang thiết bị y tế. Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu minh bạch toàn bộ quá trình cấp phép lưu hành theo hướng Bộ chỉ là cơ quan xem xét về hành chính và việc đánh giá chất lượng sẽ được thực hiện bởi các cơ quan chuyên môn.
Trên cơ sở quy định của pháp luật về giá, Bộ Y tế đề nghị bổ sung biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế, gồm: Đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng phải kê khai giá; quy định cụ thể nội dung kê khai giá và cho phép cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (không chỉ Bộ Y tế) được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.
Trước đó, chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long đã phát biểu làm rõ, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ở hội trường. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai chiến lược vaccine rất hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ mua nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận đơn hàng hợp đồng lên tới gần 200 triệu liều, tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về nước trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vaccine đang được triển khai rất thành công.
Theo người đứng đầu ngành Y tế, tính đến ngày 7/11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều và hơn 40% số người 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi. Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời, triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba vào cuối năm nay và đầu năm sau.
“Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và là một trong nhóm ba nước có tốc độ tiêm nhanh nhất. Ngoài ra, chúng ta đang thúc đẩy việc nghiên cứu chuyển giao sản xuất vaccine trong nước với hai vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3, một vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2, cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới, để từng bước chủ động nguồn vaccine trong nước.” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.