Tương Dương (Nghệ An): Khu tái định cư khẩn cấp cho vùng sạt lở không thể ở vì…bị sạt lở
Tiếng dân - Ngày đăng : 20:54, 09/11/2021
Sống bất an trong những căn nhà tạm bợ
Năm 2018, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 cộng với nước lũ lớn từ Lào đổ về mà đỉnh điểm là ngày 31/8/2018 lượng nước đổ về hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ đạt kỷ lục tới 4.300m3/s. Vì thế, nhà máy Thủy điện Bản Vẽ xả lũ với lưu lượng rất lớn đã làm hơn 230 hộ dân phải di dời khẩn cấp, nhiều nhà cửa của người dân bị cuốn trôi, sạt lở, chìm sâu trong dòng lũ dữ.
Hàng chục hộ dân ở xã Lượng Minh sống chênh vênh, tạm bợ bên bờ các sông, suối |
Trong đó, xã Lượng Minh (huyện Tương Dương) là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, đặc biệt nhiều hộ dân bản Minh Phương tuy đã kịp thời chạy lũ không thiệt hại đến tính mạng nhưng nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, hiện phải ở nhờ tại các bản khác hoặc làm lán trại tạm trên đồi, ở dọc các tuyến đường giao thông, cuộc sống của nhân dân hết sức khó khăn, thiếu thốn.
Những ngày cuối tháng 10/2021 vừa qua, chúng tôi có dịp về xã Lượng Minh để tìm hiểu về nơi ăn, chốn ở của các hộ dân nơi đây. Qua khảo sát, ghi nhận thì hiện nay các hộ dân vẫn tiếp tục phải sống cuộc sống tạm bợ dọc sông suối, cuộc sống ngày càng khó khăn, bộn bề những âu lo.
Chị Vi Thị Liên (trái) và bà Lô Thị Khương ở bản Minh Phương sống trong hai căn nhà tạm bợ gần nhau nằm chênh vênh bên bờ sông đã vài năm nay |
Nhà anh Lô Văn Mị - chị Vi Thị Liên, ở bản Minh Phương hiện tại nằm chênh vênh sát dòng Nậm Nơn. Trong căn nhà tạm bé xíu, trong nhà chỉ kê đủ 2 cái giường, chị Liên chia sẻ với giọng buồn bã: “Năm 2018, do thủy điện xả lũ nên nhà cửa, tài sản bị trôi hết. Không có chỗ ở nên hai vợ chồng cùng 2 đứa con nhỏ phải xuống dưới bản để ở nhờ với ông bà nội. Được một thời gian thì chuyển lên bờ sông này để làm căn nhà tạm (thực chất là lều – PV) để ở đã được khoảng 1 năm nay. Cuộc sống khổ lắm. Tài sản không có gì, nơi ở cố định thì không có. Biết rằng nơi ở tạm cũng chênh vênh, nguy hiểm trong mùa mưa lũ nhưng đành bất lực”.
Nhiều hộ dân bị mất nhà cửa do đợt mưa lũ và xả lũ của thủy điện vào cuối tháng 8/2018 ở xã Lượng Minh đến nay vẫn chưa được "an cư", cuộc sống ngày càng khó khăn, thiếu thốn |
Cũng tại bản Minh Phương, bà Lô Thị Khương, thuộc diện hộ nghèo, kể lại rằng: Do thủy điện xả lũ quá lớn lại vào ban đêm nên nhà cửa, đồ đạc, tài sản…bị nước cuốn trôi sạch. Cũng may mà cả gia đình tháo chạy kịp chứ không tính mạng chắc cũng khó giữ nổi. Sau khi bị trôi hết mọi thứ, nhà nước vận động gia đình đi ở tạm nơi khác. Khi đó, gia đình đến ở nhờ nhà người thân vì khi đó họ đi làm ăn xa, mới đây người bà con đã đi làm ăn xa về nên gia đình phải kéo nhau ra khu vực hiện tại sát mép sông để dựng căn nhà tạm bợ sát tỉnh lộ 543B.
“Hiện tại, gia đình ở tạm sát mép sông cũng rất lo sợ. Chẳng may thủy điện lại xả nước như 3 năm trước thì chắc là căn nhà tạm cũng không thể an toàn. Hiện, gia đình chỉ mong sao nhà nước hỗ trợ tiền để san nền nhà và làm căn nhà kiên cố để ở chứ sống tạm bợ mãi thế này khổ lắm rồi” – Bà Khương, kiến nghị.
Khu TĐC tiền tỷ không thể ở vì bị sạt lở nghiêm trọng
Được biết, sau khi các hộ dân bị mất nhà cửa do đợt mưa lũ và xả lũ của thủy điện vào cuối tháng 8/2018. Ngay lập tức, ngày 11/9/2018, UBND huyện Tương Dương đã có Văn bản số 1094/QĐ-UBND giao nhiệm vụ ứng phó khẩn cấp với sự cố thiên tai ngập lụt, sạt lở đất tại bản Minh Phương, Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Trong đó, có nội dung Phê duyệt phương án thực hiện đầu tư dự án san lấp mặt bằng khẩn cấp để bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị ngập lụt nêu trên.
Khu TĐC cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất tại bản Minh Phương, bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh bị sạt lở nghiêm trọng |
Theo đó, quy mô đầu tư dự án là tổ chức san lấp mặt bằng, bố trí đất ở cho 17 hộ dân có nhà cửa bị cuốn trôi, ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất. Văn bản của UBND huyện Tương Dương cũng cho phép triển khai dự án theo phương án vừa thiết kế vừa thi công. Hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu (điểm a, khoản 1, Điều 22, Luật Đấu thầu 2013).
Đến ngày 19/9/2018, UBND huyện Tương Dương có Quyết định số 1170/QĐ-UBND chỉ định thầu gói thầu San lấp mặt bằng khẩn cấp để bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất tại bản Minh Phương, bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Đơn vị được chỉ định thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Du lịch Nam Nghệ (trụ sở ở thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương), thời gian thực hiện hợp đồng hoàn thành trước ngày 20/11/2018.
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng đến mức chính quyền không dám cho người dân vào ở |
Ngày 10/10/2018, UBND huyện Tương Dương có Quyết định số 1283/QĐ-UBND phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công – Dự toán và giá các gói thầu dự án nêu trên. Theo Quyết định này, tổng diện tích dự án là 14.137m2; Diện tích san nền là 3.590m2 với tổng mức đầu tư gần 2,2 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng gần 2 tỷ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và các chi phí khác. Các hạng mục của dự án phần này nhanh chóng hoàn thiện vào cuối tháng 11/2018.
Đến ngày 27/3/2019, UBND huyện Tương Dương lại có Quyết định số 312/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu tái định cư để bố trí chỗ ở khẩn cấp cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất tại bản Minh Phương, bản Xốp Mạt, huyện Tương Dương thuộc vùng hạ lưu thủy điện Bản Vẽ. Quy mô của dự án là xây dựng đường dẫn vào khu tái định cư loại B, đường nội vùng loại C, xây dựng hệ thống điện và cấp nước sinh hoạt với tổng mức đầu tư dự kiến là 5,2 tỷ đồng. Sau đó, công trình được xây dựng cơ bản hoàn thành.
Một điểm sạt lở mới tại khu TĐC trong đợt mưa tháng 10/2021 |
Tuy nhiên, cho đến nay công trình chưa thể bàn giao đưa vào sử dụng do mái ta luy sạt lở, nguy cơ mất an toàn. Cụ thể, cách đỉnh mái ta luy khoảng 50m xuất hiện một cung trượt có chiều dài vết nứt cung trượt khoảng 80 đến 100m, chỗ nứt rộng nhất khoảng 0,5m, sâu khoảng 0,5 đến 1m; phần chân mái kè bằng đá hộc bảo vệ phía dưới ta luy và mương thoát nước đã bị xê dịch so với vị trí ban đầu, gây vỡ và hư hỏng mương thoát nước dưới chân ta luy.
Theo ghi nhận mới nhất của PV vào cuối tháng 10/2021, hiện những vết nứt, sạt lở vẫn tiếp tục lan rộng và nặng thêm, những điểm lở mái kè đá hộc tiếp tục sạt xuống, có chỗ nước chảy tràn thường xuyên, đất đá nhão nhoét, ẩm ướt và sạt lở theo thời gian. Nguy cơ tiềm ẩn sạt lở thêm khi có mưa là rất lớn.
Bà Lương Thị Tâm, có căn nhà tạm cách đó không xa, tâm sự rằng: Sau khi khu tái định cư hoàn thành, chính quyền vận động người dân vào bắt thăm để chọn lô đất xây dựng nhà cửa. Sau đó, gia đình bà là một trong các hộ dân tiên phong xây dựng nhà ở kiên cố nhưng sau đó khu tái định cư liên tiếp bị sạt lở nên gia đình lại phải bỏ không căn nhà đã làm ở khu tái định cư nói trên để về mép sông làm căn nhà tạm ở cho đến nay.
Khu TĐC để bố trí chỗ ở khẩn cấp cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất tại bản Minh Phương, bản Xốp Mạt không thể ở vì lại bị sạt lở; đến nay đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm |
Trao đổi với PV, ông Vi Đình Phúc – Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, trăn trở: Nhiều người dân xã Lượng Minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bị mất nhà cửa sau những đợt bão lụt, xả lũ. Trong đó, có 17 hộ dân dự kiến được vào ở khu TĐC tại bản Minh Phương, Xốp Mạt. Thế nhưng, cho đến nay chúng tôi không dám cho dân vào ở vì khu TĐC lại bị sạt lở nghiêm trọng, không an toàn để sinh sống lâu dài. Hiện, hầu hết các hộ dân nói trên đều đang sống một cách tạm bờ rải rác khắp nơi nên chính quyền địa phương đang rất lo lắng không biết phải xử lý như thế nào.
Cũng theo ông Phúc, trong thời gian qua đã có nhiều đoàn từ tỉnh đến huyện về kiểm tra thực tế cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như tình trạng của khu TĐC tại bản Minh Phương, Xốp Mạt nhưng đến nay các phương án giải quyết vẫn chưa được triển khai một cách có hiệu quả.