Tập trung hỗ trợ người lao động tạo động lực tăng trưởng cho đất nước

Trong nước - Ngày đăng : 14:35, 08/11/2021

(TN&MT) - Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước.

Sáng 8/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV bắt đầu đợt 2 - đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận toàn thể hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.

Quốc hội Khóa XV bắt đầu đợt 2 - đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên họp.

Dự phiên họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu Quốc hội Khóa XV, các khách mời là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan. Riêng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tham gia họp trực tuyến để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đợt họp thứ 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV có nhiều nội dung quan trọng như: thảo luận kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, biểu quyết thông qua một số Luật và Nghị quyết Kỳ họp. Cho biết phiên họp Quốc hội nhận được sự quan tâm theo dõi của cử tri và Nhân dân cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần sôi nổi, đổi mới, sáng tạo của đợt họp trực tuyến, đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để đảm bảo chất lượng cao nhất của kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường trong hai ngày làm việc (ngày 8 -9/11) về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Đồng thời, thảo luận tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm (2022-2024).

Để tiếp nối kết quả của đợt họp trực tuyến và các phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong các Tờ trình, báo cáo thẩm tra trong đó tập trung vào việc đánh giá thực trạng tình hình, kết quả đã đạt được, những hạn chế tồn tại yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là hiến kế thực hiện mục tiêu thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn, hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe tính mạng của Nhân dân, những tình huống và giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội.

Người lao động là động lực tăng trưởng của đất nước

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam): Phải xem người lao động là động lực tăng trưởng của đất nước

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt với Việt Nam và thế giới. Để phục hồi ổn định phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa tới lực lượng công nhân lao động. The đại biểu, trước đây, việc kéo lao động từ nông thôn lên thành thị đã rất khó, giờ đây xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê. Doanh nghiệp không thể giữ được do lao động, kể cả khi Chính phủ đã mở cửa. “Tôi cho rằng, đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước.” – đại biểu Khải nhấn mạnh.

Theo quan điểm đó, đại biểu Khải đưa ra các giải pháp: Đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn. Song song với những động thái quyết liệt và kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới sớm nhất. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc bao gồm không chỉ kết nối cung cầu lao động mà còn kiến tạo các động lực về cơ hội hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn. Tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tâm lý yên tâm quay lại nơi làm việc cho người lao động.

Qua bài học qua đại dịch COVID-19 cho thấy, vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân, nhất là hệ thống y tế ở cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trạm y tế và các công trình văn hóa, thể thao cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Toàn cảnh phiên họp

Nhấn mạnh vị trí quan trọng của người lao động trong việc phục hồi và phát triển nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phân tích, về lao động và việc làm, hai năm qua, lao động nước ta đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng. Dự báo tình hình năm 2022, sẽ còn nhiều tiềm ẩn phức tạp và khó khăn. Vì thế, theo đại biểu, bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân để duy trì lại nguồn cung lực lượng lao động an toàn thì cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, cần tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa được trở lại bình thường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Cần tăng nguồn vốn, giải quyết việc làm cho các ngân hàng, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ tại quê nhà. Đại biểu cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế, đào tạo đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, tránh việc đào tạo tràn lan, tốn kém nhưng lại không đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Sớm sửa đổi Luật Đất đai để phát triển kinh tế nông thôn bền vững

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang): Sớm sửa đổi Luật Đất đai để phát triển kinh tế nông thôn bền vững

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, thực tế cho thấy, ngành nông nghiệp của chúng ta hiện nay đã và đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Đặc biệt là những tác động của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, càng lộ rõ những hạn chế, bất cập cần quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Cụ thể, đại biểu Hương cho biết, là vựa lương thực lớn nhất của cả nước, giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh lương thực, nhưng những người dân nông dân Đồng bằng sông Cửu Long luôn phải đối mặt với một nền nông nghiệp bất ổn. Cử tri vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, có An Giang luôn trăn trở với việc tìm giải pháp phát triển kinh tế nông thôn một cách bền vững. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất của giải pháp chính là đất đai.

Đại biểu khẳng định, đất đai là yếu tố đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tập trung đất đai được coi là một công cụ hoặc điểm xuất phát cho phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, bên cạnh đầu tư cho khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, đất đai hiện nay manh mún, phân tán, điều này gây ra nhiều hạn chế, bất cập trong sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, hiện nay, chỉ có khoảng 26% hộ có từ 0,5 đến 2 hecta, trong khi đó có đến 63% hộ nông dân có diện tích đất nhỏ hơn 0,5%. Ngoài ra, còn có những hộ nông dân sở hữu nhiều mảnh đất nhỏ, rải rác gây ra nhiều hạn chế, bất cập trong sản xuất nông nghiệp, cũng như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

“Muốn sản xuất lớn cần có chính sách lớn, chính vì vậy, việc sớm sửa đổi Luật Đất đai, nhằm tạo điều kiện cho người nông dân, các tổ chức dần hình thành những đơn vị sản xuất có quy mô lớn. Đồng thời, tăng cường liên kết thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp là nguyện vọng của cử tri hiện nay” - Đại biểu Hương đưa ra quan điểm và đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm quan tâm triển khai thực hiện.

Khương Trung