Tăng cường truyền thông để giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt nông thôn và bảo vệ môi trường làng nghề khu vực đồng bằng Sông Hồng

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 13:50, 08/11/2021

(TN&MT) - Hội nghị “Quản lý và giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, bảo vệ môi trường làng nghề và truyền thông cho cộng đồng khu vực đồng bằng Sông Hồng”.

Ngày 8/11, tại thành phố Bắc Ninh, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị “Quản lý và giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, bảo vệ môi trường làng nghề và truyền thông cho cộng đồng khu vực đồng bằng Sông Hồng”.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ các sở ban ngành địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đến từ tỉnh Bắc Ninh và 11 tỉnh đồng bằng Sông Hồng.

Hội nghị được tổ chức với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, bảo vệ môi trường làng nghề và đề xuất các giải pháp, mô hình quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, bảo vệ môi trường làng nghề có hiệu quả.

Ông Cao Minh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm Truyền thông TN&MT phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết: “Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc năm 2019 đã tăng 46% so với năm 2010, và khối lượng này vẫn không ngừng ra tăng. Bên cạnh đó, sự đa dạng về thành phần chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt trong những năm gần đây, lượng chất thải khó phân hủy như các đồ dùng nhựa, túi ni lông gia tăng chóng mặt, khiến cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trở nên càng ngày càng khó khăn.

Toàn cảnh Hội nghị

Cùng với đó, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có 60% làng nghề tập trung khu vực phía Bắc. Đặc điểm chung của các làng nghề là phát triển đang theo hình thức tự phát, tình trạng ô nhiễm môi trường luôn hiện hữu và ngày càng gia tăng do bất cập trong giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường một cách đồng bộ. Cụ thể, có tới 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Để xử lý được vấn đề này, chỉ nỗ lực của chính quyền là chưa đủ, mà chính sự tự ý thức và tự thực hiện của người dân mới là giải pháp cốt lõi.”

Ông Hoàng Văn Vi, Báo cáo viên tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các chủ đề: Các điểm mới trong Luật BVMT năm 2020 liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, bảo vệ môi trường làng nghề và các quy định liên quan đến quyền, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường; Kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về bảo vệ môi trường khi xảy ra sự cố môi trường, thiên tai, dịch bệnh; xử lý khủng hoảng truyền thông xã hội; và một số mô hình bảo vệ môi trường, quản lý và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả do Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Qua Hội nghị, các đại biểu đã cập nhật được những kiến thức mới từ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như những chính sách pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề, quản lý chất thải rắn nông thôn để từ đó áp dụng vào thực tiễn nhằm góp phần giải quyết các vấn đề môi trường và từ đó nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

M.D