Hội nghị COP26 nâng tầm vị thế của Việt Nam với quốc tế
Trong nước - Ngày đăng : 20:49, 06/11/2021
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ về thành công của Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 |
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác vừa kết thúc chuyến tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 31/10 đến ngày 3/11, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ ngày 3/11 đến 5/11. Chuyến công tác thành công rất tốt đẹp, góp phần quan trọng nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong giải quyết những vấn đề mang tỉnh toàn cầu như Ứng phó với Biến đổi khí hậu và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược với Anh và Pháp.
“Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó biến đổi khí hậu; kêu gọi tất cả các nước thiết lập các cam kết để giảm phát thải nhà kính trên cơ sở trách nhiệm chung. Thăm chính thức Cộng hòa Pháp, hai bên đã nhất trí cùng xây dựng kế hoạch tổng thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ để làm cơ sở đưa quan hệ Việt Nam - Pháp lên tầm cao mới.” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin đến báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.
Kinh tế dần khởi sắc, phục hồi sau giãn cách xã hội
"Ngay sau khi tham gia hội nghị COP26 và thăm chính thức Pháp, chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Chính phủ thường kỳ", Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết.
Họp báo chính phủ thường kỳ |
Tại Phiên họp , Chính phủ đã nghe, thảo luận kỹ và thống nhất cao về các nội dung về: công tác phòng, chống dịch COVID - 19; tình hình kinh tế-xã hội tháng 10, 10 tháng, giải pháp trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới; Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, Chính phủ thống nhất đánh giá việc phòng chống dịch đã đạt những kết quả quan trọng, giúp tạo động lực để phát triển kinh tế. Hiện tại, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, số bệnh nhân khỏi bệnh ngày càng tăng, tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh.
Các hoạt động kinh tế - xã hội dần được phục hồi. WHO đánh giá cao tính hiệu quả và ưu việt, cách tiếp cận và các giải pháp chống dịch của Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Nghị quyết 128, tiếp tục hoàn thiện chiến lược tổng thể về chống dịch, báo cáo cấp có thẩm quyền, bảo đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất và nhất quán.
Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, đào tạo, tập huấn nâng cao lực lượng chống dịch. Thực hiện tốt việc cách ly, truy vết, chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch.
Tiếp tục thực hiện 3 trụ cột chính. Thứ nhất, triển khai cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, có mục tiêu, có lộ trình. Thứ hai, xét nghiệm thần tốc, đảm bảo khoa học, tiết kiệm. Thứ ba, điều trị tích cực từ sớm, từ xa ngay tại cơ sở. Thực hiện phương châm 5K + vaccine + công nghệ và ý thức của người dân.
Tiếp tục thực hiện chiến lược vaccine và bảo đảm có vaccine nhanh nhất, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.
Theo bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế dần mở cửa trong trạng thái bình thường mới.
Kinh tế tháng 10 đã khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp. Chỉ số CPI 10 tháng tăng 1,81%, thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê cho biết tháng 10, cả nước có 8.233 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 108.600 tỷ đồng, tăng 111,2% về số doanh nghiệp và tăng 73,9% về vốn đăng ký so với tháng trước. Ngoài ra, còn có 4.304 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 29,8%.
Cơ quan thống kê nhìn nhận hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi, những tín hiệu tích cực trong tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.
Hoạt động xuất nhập khẩu tháng 10 tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 53,5 tỷ USD, giảm 0,4% so với tháng 9 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 537,31 tỷ USD, tăng 22,2%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giảm 0,2% so với tháng trước nhưng tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng đầu năm, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.