Phát triển nghề nuôi biển Việt Nam theo hướng công nghiệp và bền vững

Biển đảo - Ngày đăng : 16:23, 06/11/2021

(TN&MT) - Ngày 6/11, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên năm 2021. Dự Hội nghị có Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi; đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Vượt khó do đại dịch Covid-19, triển khai nhiều hoạt động

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã phần nào gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nuôi biển. Tuy nhiên, với những nỗ lực của Chính phủ, của doanh nghiệp trong việc khắc phục hậu quả, ứng phó với dịch bệnh, đến nay, chúng ta đã thấy những “tia sáng”.

Để không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về những biện pháp tạm thời để chung sống với dịch bệnh Covid-19. Với người nuôi biển, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc ban hành Quyết định này, con đường đi đến nền Nuôi biển công nghiệp và bền vững đã được Chính phủ thiết lập cho 10 năm tới, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, các doanh nhân và nhà khoa học là 2 lực lượng chủ yếu để phát triển ngành nuôi biển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho biết, Việt Nam là người bạn của Indonesia ngay từ những ngày đầu Indonesia mới dành độc lập. Indonesia có tiềm năng rất lớn với vùng biển rộng 5,8 triệu km2; đường bờ biển dài hơn 95 nghìn km. Hiện nay, trao đổi thương mại về thủy sản giữa hai nước đạt khoảng 150 triệu USD; trao đổi thương mại song phương hai nước là khoảng 9,1 tỷ USD. Hai nước có nhiều nội dung có thể trao đổi trong thời gian tới như nghiên cứu khoa học về nghề nuôi biển; hợp tác giữa các doanh nghiệp, ngư dân nuôi biển hai nước.

Báo cáo kết quả công tác của Hiệp hội năm 2021 và kế hoạch năm 2022, Tổng Thư ký Hiệp hội Nuôi biển Bạch Quốc Khang cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, giãn cách xã hội trên diện rộng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của cả nước và các doanh nghiệp hội viên; nhiều hoạt động, dự án của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh, thậm chí tạm dừng. Cụ thể, trong 43 dự án Hiệp hội dự kiến triển khai trong 5 năm, chỉ có 3 dự án hoàn thành; 10 dự án tiếp tục triển khai theo kế hoạch; 19 dự án phải tạm dừng; 11 dự án cần điều chỉnh.

Điểm lại các kết quả nổi bật năm 2021, Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết đã kết nạp được thêm 33 hội viên mới, vượt chỉ tiêu đề ra. Nhờ nỗ lực không ngừng và áp dụng phương thức làm việc trực tuyến, ứng dụng công nghệ số, các hoạt động đã được tổ chức với số lượng lớn, tiết kiệm chi phí. Theo thống kê, năm 2021 Hiệp hội đã triển khai trên 150 hoạt động, với những trọng tâm có kết quả thiết thực.

Thường xuyên bám sát thực tế, tập trung triển khai những hoạt động quan trọng, đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh của hội viên, kết nối hội viên theo các dự án, địa bàn hợp tác. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng không ít các dự án đã được triển khai thực hiện.

Đồng thời, Hiệp hội tiếp tục lan tỏa ảnh hưởng làm thay đổi nhận thức xã hội về nuôi biển; thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch phát triển nuôi biển công nghiệp của Trung ương và một số địa phương trọng điểm. Quyết tâm phát triển Hiệp hội, tạo tiền đề nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động mọi mặt của Hiệp hội trong thời gian tới.

Về chương trình hành động năm 2022, ông Bạch Quốc Khang cho biết, Hiệp hội sẽ tiết tục thực hiện Đề án phát triển hội viên; thực hiện Chương trình hành động của Hội đồng Tư vấn khoa học công nghệ nuôi biển và Trung tâm khoa học công nghệ nuôi biển; Triển khai hoạt động Công ty CP Phát triển Nuôi biển Công nghiệp Việt Nam; tiếp tục tham mưu, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương ven biển triển khai Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Nghị định 11/2021/NĐ-CP; thúc đẩy hoàn thiện thể chế phát triển nuôi biển.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Chú trọng khoa học công nghệ, hướng đến phát triển bền vững

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Tiêu chuẩn cơ sở trại nuôi cá biển công nghiệp; xây dựng Tạp chí Vươn khơi online – diễn đàn của cộng đồng nuôi biển Việt Nam; những vấn đề trọng tâm trong phát triển nuôi biển ở Đồng bằng sông Cửu Long; hợp tác VCCI với Hiệp hội nuôi biển trong tổ chức biên soạn tài liệu và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nuôi biển công nghiệp; một số xu hướng phát triển và các mô hình kết hợp nuôi biển với dịch vụ du lịch...

Trình bày những vấn đề trọng tâm trong phát triển nuôi biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Ngọc Hải, Đại học Cần Thơ cho biết, Đồng bằng Sông Cửu Long có rất nhiều tiềm năng trong phát triển nghề nuôi biển. Mặc dù biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn là trở ngại rất lớn tại khu vực, nhưng môi trường biển và ven biển lại rất thuận lợi cho nuôi biển và nuôi nước lợ so với các nơi khác trong cả nước. Theo Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, thủy sản là ngành được ưu tiên nhất trong cơ cấu nông nghiệp.

Cũng theo ông Trần Ngọc Hải, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nghề nuôi đã hình thành, đây là cơ sở để phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, khu vực cũng có nhiều trường đại học đào tạo ngành thủy sản, cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá nước lợ nói riêng.

Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng thủy sản khu vực còn gặp một số khó khăn như ô nhiễm, phòng trị bệnh cá biển còn khó khăn; thị trường cá biển chưa mạnh và giá cả biến động; vùng nước lợ còn tập trung nuôi tôm; việc nuôi cá biển còn đơn sơ, nhận thức và kinh nghiệm người nuôi còn hạn chế, chưa mang tính tổng hợp. Do đó, ông Trần Ngọc Hải đề nghị cần đẩy mạnh việc hợp tác, phát triển chuỗi sản xuất và phân phối, chế biến, xuất khẩu; phát triển các mô hình kết hợp; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nuôi công nghiệp kết hợp phát triển du lịch. Đặc biệt, cần phát huy tiềm năng, nguồn lực, khoa học công nghệ, các chính sách cho phát triển nuôi cá Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đề xuất công nghiệp hóa từng bước các trại nuôi biển quy mô nhỏ tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Duy Hải, Công ty Maritec nhấn mạnh, nuôi biển Việt Nam đang đi theo chiến lược thành công của Na Uy, đất nước rất thành công trong ngành thủy sản; công nghiệp phụ trợ nuôi biển tương đối phát triển, chủ động khoa học kỹ thuật; đã có các mô hình thí điểm trại nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ tại hầu hết các địa phương, tuy nhiên mức độ lan tỏa còn hạn chế. Từ đó, ông Nguyễn Duy Hải đề xuất cần chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu, tìm đầu ra cho trại nuôi để đạt mục tiêu sản lượng. Đồng thời, xây dựng chính sách thiết thực và cụ thể hỗ trợ về thuế, vốn, măt nước, kho bãi cho các trại nuôi và doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục môi trường và Phát triển (CERED) nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu trong ngành thủy sản Việt Nam. Kinh tế tuần hoàn mang tới cơ hội thúc đẩy tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu đầu vào của mọi chuỗi cung ứng. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP21) đã khẳng định, kinh tế tuần hoàn là mô hình quan trọng nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, mới chỉ 8,6% hoạt động sản xuất của con người được áp dụng các tiêu chí tuần hoàn. Để thúc đầy kinh tế tuần hoàn, cần những khuyến nghị, đề xuất xây dựng chiến lược kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp từ góc nhìn của người quản lý cấp cao.

Thanh Tùng