Hà Nội gỡ khó cho doanh nghiệp, lên kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế Thủ đô

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 16:22, 06/11/2021

(TN&MT) - TP. Hà Nội luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, cải cách hành chính, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Ngày 6/11, UBND TP. Hà Nội Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”.

Sự kiện có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu gồm đại diện các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TP. Hà Nội; các Sở, ngành thành phố; các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Kinh tế - xã hội Thủ đô đang dần trở lại trạng thái bình thường mới

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: Với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, sự an toàn và tính mạng cho nhân dân; hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, những năm qua, thực hiện phương châm xuyên suốt “đồng hành cùng doanh nghiệp”, xác định “nguồn lực đầu tư xã hội là động lực phát triển kinh tế Thủ đô”, thành phố Hà Nội đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tiếp nối các hoạt động đó, thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị này là một trong các nội dung công việc quan trọng trong nhiều nội dung, mà Thành phố đã và đang triển khai, nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020; đặc biệt, từ quý II/2021, dịch đã bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan rất nhanh. Cùng với cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch cao nhất để chủ động ứng phó nên tính từ đợt dịch lần thứ 4 (ngày 27/4), thành phố ghi nhận trên 4.800 ca bệnh (chiếm 0,5% so với cả nước); trong đó, có 90,2% ca bệnh đã được chữa khỏi; 9% đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Đến nay, tuy vẫn còn nguy cơ cao nhưng thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết mặc dù, chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nhưng 9 tháng năm 2021, thành phố duy trì tăng trưởng GRDP đạt 1,28%. Sang tháng 10, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, tuy nhiên lũy kế 10 tháng vẫn giảm sâu hoặc tăng thấp so với kế hoạch, cụ thể: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 10 tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2020, lũy kế 10 tháng giảm 7,8%; Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2020; Lũy kế 10 tháng giảm 2,8%. Trong 10 tháng đầu năm 2021, có 19.848 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 17,16 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư nước ngoài 1,21 tỷ USD. Thu ngân sách 10 tháng đạt 215 nghìn tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán TW giao và 85,7% dự toán của Thành phố, tăng 7,6% so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối cho chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ ổn định an sinh xã hội.

Đặc biệt quan tâm an sinh xã hội

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đi cùng với công tác phòng, chống dịch, các nhiệm vụ đảm bảo cho phát triển sản xuất, kinh doanh, các sinh hoạt của người dân, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng được Thành phố đặc biệt quan tâm.

Về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, Thành phố đã hỗ trợ cho 1,82 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng; chi trả cho 1,09 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm với tổng số tiền 2.684 tỷ đồng. Bên cạnh đó, triển khai chính sách đặc thù, đã thực hiện hỗ trợ cho 289 nghìn đối tượng với kinh phí 299 tỷ đồng. Các tổ chức chính trị, xã hội và các nhà hảo tâm đã cùng chung sức hỗ trợ cho 1,07 triệu lượt người, hộ gia đình khó khăn với số tiền 317 tỷ đồng.

Thành phố đã giải ngân và cho 9.886 người lao động vay vốn để phục hồi sản xuất thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội với số tiền 476 tỷ đồng.

Khẩn trương rà soát, miễn, giảm, giãn, hoãn nộp thuế với số tiền hơn 22,6 nghìn tỷ đồng cho 38.000 doanh nghiệp, người nộp thuế; trong đó: 21,9 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn và 610 tỷ đồng tiền thuê đất giảm.

Lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp

Ngay từ những ngày đầu xảy ra đại dịch Covid-19, Thành phố đã chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Với phương châm luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, tại Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI ngày 19/10/2021, thành phố đã tổng hợp 250 kiến nghị; một số nội dung đã được Thành phố giải quyết ngay; các nội dung còn lại đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị tiếp tục xem xét, giải quyết sớm. Ngay trước Hội nghị này, TP. Hà Nội đã chủ động rà soát, đôn đốc 22 dự án còn vướng mắc để chỉ đạo, đến nay, thành phố đã hoàn thành thủ tục cấp/điều chỉnh cho 9 dự án, dự kiến trong nửa đầu tháng 11 hoàn thành thủ tục cấp phép cho 13 dự án còn lại; tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng ít nhất 20 cụm công nghiệp năm 2021; 18 cụm công nghiệp trong đầu năm 2022; tiếp tục ứng dụng, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức 4 theo hướng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh…

Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, thành phố mong muốn được lắng nghe trực tiếp những phản ánh, chia sẻ, những kỳ vọng, mong muốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để có thể sát sao hơn, hiệu quả hơn nữa trong các quyết sách, chính sách đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp để khôi phục và phát triển kinh tế nhằm phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng cao nhất năm 2021 và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 đã đề ra.

Quang cảnh Hội nghị

3 mục tiêu, 5 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy; UBND Thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế Thành phố chủ trì cùng các ngành triển khai khảo sát đối với hơn 28.000 doanh nghiệp trên địa bàn về những tác động, ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 và ban hành Kế hoạch số 246 ngày 1/11/2021 về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 quý IV năm 2021, năm 2022 và 2023.

Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu chính: Hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách, củng cố nguồn thu cho ngân sách Thành phố. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa phát triển; Đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững.

Cùng với đó, Kế hoạch đề ra 5 nhóm giải pháp gồm: Kiểm soát dịch COVID-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách. Phục hồi và phát triển ngành, lĩnh vực; xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn với dịch COVID-19 và kế hoạch phục hồi, phát triển. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thành lập một số tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đầu tư công.

Riêng giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thành phố thực hiện nhanh nhất, đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về: Miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại; hỗ trợ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thực hiện các cơ chế, chính sách của Thành phố: Thúc đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua 2 Đề án đã ban hành: Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019-2025: Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2021-2025, trong đó, tập trung hỗ trợ: mặt bằng sản xuất kinh doanh thông qua phát triển các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ công nghệ, cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và hỗ trợ gia nhập thị trường.

Đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách tại Kế hoạch, đảm bảo thực chất, hiệu quả như: Kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025; Hỗ trợ vốn cho hoạt động sản xuất thông qua các Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; Ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP gói tín dụng 1.050 tỷ đồng để cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và người lao động vay để phục hồi sản xuất; tiếp tục nghiên cứu triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng trong thời gian tới; Hỗ trợ an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội và lao động; Hỗ trợ về lao động và chuyên gia; Phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động.

Phương Anh