Thúc đẩy hợp tác quốc tế mạnh mẽ trước thảm họa tự nhiên

Thế giới - Ngày đăng : 18:04, 05/11/2021

(TN&MT) - Đến năm 2030, ước tính khoảng 50% dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực ven biển, nơi thường xuyên hứng chịu lũ lụt, bão và sóng thần. Đó là lý do tại sao Liên Hợp Quốc đã chọn tăng cường hợp tác quốc tế cho các nước đang phát triển làm chủ đề của Ngày Thế giới nhận thức về sóng thần năm nay (5/11).

Một bé gái đứng bên ngoài ngôi nhà của mình đã bị sập do sóng thần tấn công Java và Sumatra, hai hòn đảo đông dân nhất của Indonesia. Ảnh: UNICEF

Chia sẻ phương pháp tiếp cận sáng tạo

Trong thông điệp đánh dấu Ngày Thế giới nhận thức về sóng thần, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres kêu gọi tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự tăng cường hiểu biết về mối đe dọa gây chết người và chia sẻ các phương pháp tiếp cận sáng tạo để giảm thiểu rủi ro.

Theo ông Guterres, các quốc gia có thể nâng cao kiến thức dựa trên những tiến bộ đã đạt được - từ việc tiếp cận tốt hơn với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sóng thần trên khắp thế giới, đến việc đưa Chương trình Sóng thần vào Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2021-2030. Tuy vậy, ông cảnh báo rằng rủi ro vẫn còn rất lớn.

Ông Guterres cho biết, mực nước biển dâng cao do tình trạng khẩn cấp về khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm sức tàn phá của sóng thần. Các quốc gia trên thế giới phải hạn chế sự nóng lên 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp và đầu tư quy mô vào khả năng phục hồi của các cộng đồng ven biển.

Bốn trung tâm nỗ lực ứng phó với sóng thần

Đối với ông Guterres, khoa học, hợp tác quốc tế, sự sẵn sàng và hành động sớm phải là 4 yếu tố trung tâm của mọi nỗ lực để giúp người dân và cộng đồng an toàn hơn. Ông nhấn mạnh: “Việc tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển và cải thiện khả năng phát hiện và cảnh báo sớm là rất quan trọng. Trước những khủng hoảng phức tạp ngày càng gia tăng trên toàn cầu, chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn”.

Ngày thế giới nhận thức về sóng thần năm nay sẽ thúc đẩy "Chiến dịch Sendai Seven", đặc biệt là mục tiêu nhằm tăng cường hợp tác quốc tế với các nước đang phát triển.

Vì vậy, giới chức Liên Hợp Quốc kêu gọi thế giới thực hiện Khuôn khổ Sendai và cùng nhau xây dựng khả năng phục hồi chống lại tất cả các thảm họa tự nhiên.

Sóng thần là hiện tượng hiếm gặp nhưng sức tàn phá lớn

Mặc dù, sóng thần là hiện tượng thời tiết hiếm gặp nhưng nó có thể gây chết người. Trong 100 năm qua, 58 trận sóng thần đã cướp đi sinh mạng của hơn 260.000 người, tương đương trung bình là 4.600 người cho mỗi thảm họa - nhiều hơn bất kỳ hiểm họa thiên nhiên nào khác.

Đáng chú ý, trận sóng thần tấn công Ấn Độ Dương vào tháng 12/2004 đã gây ra số người chết cao nhất, với khoảng 227.000 người thiệt mạng ở 14 quốc gia. Trong đó, Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chỉ ba tuần sau thảm họa, cộng đồng quốc tế đã tập hợp lại tại Kobe, Nhật Bản và thông qua Khung hành động Hyogo 10 năm, thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Cộng đồng quốc tế cũng tạo ra Hệ thống cảnh báo và giảm nhẹ sóng thần Ấn Độ Dương, sử dụng các trạm theo dõi địa chấn và mực nước biển để gửi cảnh báo đến các trung tâm thông tin sóng thần quốc gia.

Sau khi Khung hành động Hyogo hết hiệu lực, năm 2014, thế giới đã thông qua Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015-2030, trong đó nêu ra 7 mục tiêu rõ ràng và 4 ưu tiên để ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Bốn ưu tiên hành động của Khung hành động Sendai 2015 gồm: Hiểu biết về rủi ro thiên tai; Tăng cường công tác quản trị để quản lý rủi ro thiên tai; Đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai nhằm tăng cường khả năng chống chịu; Tăng cường khả năng sẵn sàng để ứng phó hiệu quả và “Xây dựng lại tốt hơn” trong công tác phục hồi và tái thiết.

Mai Đan