Sẽ phạt nặng hành vi xả chất thải không qua xử lý ra môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 05:52, 05/11/2021

(TN&MT) - Nếu cố tình vi phạm, lắp đặt các thiết bị, đường ống xả hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, doanh nghiệp có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép môi trường.

Đây là quan điểm được thống nhất tại cuộc họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với sự chủ trì của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, vào chiều ngày 4/11. Cùng tham dự có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và đại diện các Bộ, ngành khác.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được xây dựng để bảo đảm tính tương thích, phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các văn quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; phù hợp với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn cũng như thiết lập khung pháp lý đồng bộ khi các Luật trên có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2022.

Dựa trên tinh thần của Luật mới, với quan điểm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp; những quy định đặt ra trong dự thảo Nghị định phải rõ ràng, rành mạch, xử phạt nghiêm minh và có biện pháp khắc phục khả thi.

“Cần nhất quán quan điểm: Mức phạt phải đủ sức răn đe đối với hành vi cố tình vi phạm, hủy hoại môi trường. Sẽ nghiêm trị các hành vi như cố tình lắp đặt thiết bị, đường ống xả thải để thải chất thải không qua xử lý ra môi trường”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Quy định rõ các hành vi vi phạm

Hiện nay, Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được kế thừa nội dung các quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn xã hội về thực thi chính sách pháp luật trong bảo vệ môi trường như: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Vi phạm các quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường; Vi phạm các quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường; Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Vi phạm quy định bảo vệ môi trường biển.

Một số quy định được chỉnh sửa như: Hình thức, thời hiệu, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (cập nhật Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi). Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề. Vi phạm các quy định về phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu...

Các đại biểu tham gia góp ý cho dự thảo Nghị định

Đáng lưu ý, Tổ soạn thảo đã đưa vào dự thảo Nghị định các quy định xử phạt mới đối với các hành vi phạm quy định về Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, đánh giá tác động môi trường. Vi phạm các quy định về xây dựng, vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường và vận hành công trình bảo vệ môi trường. Vi phạm quy định về trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Vi phạm Dán nhãn và công bố thông tin nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng...

Có thể bị tước giấy phép nếu xả thải gây ô nhiễm

Bàn về các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, các đại biểu thống nhất quan điểm: “giảm mức phạt đối với các hành vi vi phạm về mặt hồ sơ, thủ tục môi trường; tăng mức phạt đối với các nhóm hành vi mang tính chất cố tình vi phạm hoặc các hành vi gây ô nhiễm môi trường”.

Theo đó, để đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi cố tình vi phạm, dự thảo Nghị định đưa ra quy định: Sẽ tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với các vi phạm xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; các hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật nhiều lần, nghiêm trọng đến mức bị đình chỉ theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP; hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí, gây ô nhiễm môi trường kéo dài; hành vi vi phạm quy định của cơ sở xử lý chất thải nguy hại đến mức bị định chỉ hoạt động theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP.

Toàn cảnh cuộc họp

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với các nhóm hành vi: xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo Giấy phép môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải theo quy định; hành vi không thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ; hành vi thực hiện dịch vụ quan trắc môi trường mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định.

Việc xác định lợi thu được từ các hành vi phạm không xây lắp, lắp đặt công trình bảo vệ môi trường; không vận hành, vận hành không đúng công trình bảo vệ môi trường bao gồm: kinh phí đầu tư công trình bảo vệ môi trường, chi phí vận hành, chi phí kinh tế thu được lợi nhuận trong thời gian vi phạm, lợi thế cạnh tranh.

Tổ biên tập đã nhận được ý kiến tham gia của 16 Bộ, ngành, 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 01 tập đoàn nhà nước, 01 tổ chức xã hội gửi ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định. Tổ biên tập đã tiếp thu, giải trình đối với nội dung góp ý của các đơn vị. Tổ biên tập sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ trong tháng 11/2021./.

Tống Minh