Dự báo tổng lượng khí thải toàn cầu trong năm nay sẽ lên tới 36,4 tỷ tấn CO2

Thế giới - Ngày đăng : 18:59, 04/11/2021

(TN&MT) - Theo một báo cáo của Dự án carbon toàn cầu (GCP) được công bố vào ngày 4/11, lượng khí thải carbon đã tăng trở lại gần mức trước đại dịch, trong đó lượng khí thải từ than và khí tự nhiên tăng cao trong các lĩnh vực công nghiệp và năng lượng.

Ngày 4/11, Dự án carbon toàn cầu công bố một nghiên cứu cho thấy, lượng khí thải carbon đã tăng trở lại gần mức trước đại dịch

Tác giả chính của báo cáo, ông Pierre Friedlingstein, một nhà nghiên cứu mô hình khí hậu tại Đại học Exeter (Anh) cho biết: "Chúng tôi đã dự đoán lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ tăng trở lại. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là mức độ và tốc độ gia tăng".

Vào năm 2020, trong bối cảnh các nước tiến hành lệnh phong tỏa để chống dịch Covid-19, lượng khí thải CO2 đã giảm kỷ lục 1,9 tỷ tấn (tương đương 5,4%) so với một năm trước đó. Tuy nhiên, báo cáo mới của GCP dự báo, lượng khí thải CO2 sẽ tăng 4,9% trong năm nay, nâng tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm 2021 lên tới 36,4 tỷ tấn.

Trong số các nước phát thải lớn, Trung Quốc và Ấn Độ dự báo sẽ phát thải khí CO2 cao hơn vào năm nay so với năm 2019, trong khi Mỹ và Châu Âu dự báo sẽ có lượng phát thải thấp hơn một chút.

Báo cáo được công bố trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Scotland, Anh). Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị nhằm đưa ra các giải pháp cũng như cam kết nhằm hạn chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C và tránh những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Tuy vậy, tổng số cam kết toàn cầu về giảm phát thải không đạt được mục tiêu này. Hiện nay, các trận cháy rừng, bão và lũ lụt gây chết người đã xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu. Ông Friedlingstein cho biết: "Để đạt được mức phát thải ròng toàn cầu bằng 0 vào năm 2050, cần phải giảm đáng kể lượng CO2. Để làm được như vậy, từ nay đến năm 2050, mỗi năm, các quốc gia trên thế giới cần giảm lượng khí thải CO2 ở mức tương tự như mức đã giảm trong suốt cuộc khủng hoảng Covid-19”.

Mai Đan