Thiết lập bộ bản đồ tài nguyên nước toàn diện trên lãnh thổ Việt Nam

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 14:42, 04/11/2021

(TN&MT) - Bộ TN&MT đang xây dựng và hoàn thiện Đề án: "Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam" với mục tiêu trọng tâm là thành lập được bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 và hệ thống lưu trữ, quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước trên nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Sáng 4/11 tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Đề án này.

 

Cấp thiết phục vụ phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh

Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia - Đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ, các thông tin số liệu điều tra, đánh giá tài nguyên nước là nguồn số liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý, quy hoạch, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra. Tuy vậy, công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước đến nay còn hạn chế.

Cụ thể, về điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt, hiện mới thực hiện điều tra cơ bản được 34,08% sông suối trên phạm vi toàn quốc tập trung chủ yếu một số lưu vực sông lớn, vùng kinh tế với 625 sông suối có chiều dài trên 30km trên phạm vi toàn quốc đang thực hiện (ứng với tỷ lệ điều tra 1:100.000).

Cùng với đó, dựa trên số liệu đo đạc tài nguyên nước mặt sẽ đưa vào thực hiện đến năm 2025, dự thảo Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước đến năm 2025 đang được Bộ TN&MT dự kiến trình Chính phủ, các số liệu kiểm kê này đồng thời cũng là số liệu quan trọng phục vụ đánh giá tài nguyên nước.

Việc kế thừa kết quả đánh giá tài nguyên nước mặt khoảng 67% đối tượng điều tra, sử dụng lồng ghép số liệu tổng kiểm kê tài nguyên nước, đồng bộ hóa dữ liệu để thực hiện đánh giá tài nguyên nước mặt trên phạm vi toàn quốc rất cần được thực hiện.

Liên quan về tài nguyên nước dưới đất, đến nay, nước ta mới hoàn thành công tác thành lập bản đồ địa chất thủy văn toàn lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 (năm 1985), biên hội bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 trên toàn quốc (năm 2018), các tỷ lệ điều tra đánh giá nguồn nước dưới đất, lập bản đồ địa chất thủy văn chi tiết hơn (ở tỷ lệ 1:100.000 đến 1:25.000) mới hoàn thành trên 26% diện tích toàn quốc và đang thực hiện trên các vùng lãnh thổ khác với khoảng 23% diện tích toàn quốc.

Các kết quả trên cần được kế thừa và thực hiện điều tra bổ sung, đồng bộ hóa dữ liệu tài nguyên nước dưới đất để lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Một góc Đồng bằng sông Cửu Long  

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được Đảng và Nhà nước xác định là yêu cầu tất yếu khách quan, mang lại cả cơ hội và thách thức cho tất cả các ngành kinh tế - xã hội. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đòi hỏi lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói chung, tài nguyên nước nói riêng phải chuyển đổi từ môi trường truyền thống sang môi trường số, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ số trong thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu nhằm giảm được chi phí và thời gian, đem lại sản phẩm thông tin, dữ liệu tin cậy, cập nhật, đáp ứng yêu cầu khai thác, chia sẻ trên các nền tảng số và phục vụ cho phát triển kinh tế số, Chính phủ số.

Do đó, yêu cầu lập bản đồ tài nguyên nước trên toàn quốc phải đảm bảo áp dụng chuyển đổi số, đồng bộ về thông tin, số liệu; bao quát thống nhất về phạm vi phân chia các nguồn nước trên các vùng lãnh thổ và phản ánh đúng hiện trạng nguồn nước trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, thiết lập được hệ thống lưu trữ, quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu tài nguyên nước với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, phục vụ quy hoạch, quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm nguồn nước.

Từ thực trạng điều tra, đánh giá tài nguyên nước, lập bản đồ tài nguyên nước với phạm vi đã được điều tra còn hạn chế, số liệu điều tra cũ đã quá lâu chưa được cập nhật đã nêu, đặc biệt là trước yêu cầu quản lý trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, các thông tin, dữ liệu hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của quản lý, khó có khả năng cung cấp thông tin bao quát, toàn diện cho Chính phủ số trước các thách thức ngày càng tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, khai thác nước ở thượng nguồn và khai thác, sử dụng thiếu bền vững đối với tài nguyên nước của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT nhận thấy việc thực hiện Đề án là rất cần thiết và cấp bách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.

5 nội dung trọng tâm của Đề án

Trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan để lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học.

Phạm vi thực hiện của Đề án bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên lãnh thổ Việt Nam

Các nội dung, khối lượng thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam” bảo đảm tính đồng bộ, đúng quy trình, quy phạm, các số liệu điều tra, khảo sát dễ dàng cập nhật và chia sẻ. Trên cơ sở xác định các yêu cầu về quy định kỹ thuật lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000, các thông tin, dữ liệu kế thừa kết quả của các nhiệm vụ đã được triển khai từ trước đến nay của các Bộ, ngành, địa phương… đồng thời, lồng ghép, phối hợp với các nhiệm vụ đã và đang đề xuất thực hiện nhằm tránh trùng lắp, lãng phí nguồn lực. Từ đó, đề xuất các nội dung, nhiệm vụ cần phải thực hiện bảo đảm đáp ứng mục tiêu của Đề án.

Cụ thể, phạm vi thực hiện của Đề án bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên lãnh thổ Việt Nam. Đối với tài nguyên nước mặt: là các sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, công trình khai thác sử dụng nước mặt trên các lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam; đối với tài nguyên nước dưới đất: là các thành tạo chứa nước trên toàn bộ diện tích tự nhiên thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Đề án tập trung vào 5 nội dung trọng tâm là xây dựng bộ công cụ hỗ trợ tác nghiệp số trong công tác điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên nước; công cụ thu thập, thu nhận, chuẩn hóa, tích hợp, lưu trữ, khai thác thông tin dữ liệu.

Thu thập, tổng hợp, chuẩn hóa thông tin, dữ liệu tài nguyên nước và xây dựng hệ thống lưu trữ thông tin phục vụ khai thác dữ liệu số về tài nguyên nước

Điều tra, khảo sát, đo đạc bổ sung; phân tích, đánh giá tài nguyên nước và khả năng đáp ứng nguồn nước cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Biên tập, xây dựng và hoàn thiện bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam.

Tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước của Đề án; kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu tài nguyên nước với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Sản phẩm của Đề án bao gồm: Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam”; Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 cho từng lưu vực sông; các báo cáo chuyên đề, thuyết minh bản đồ theo từng lưu vực sông và theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000; Bộ bản đồ điện tử (Atlas) tài nguyên nước mặt và nước dưới đất lãnh thổ Việt Nam, theo từng lưu vực sông và theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hệ thống thông tin dữ liệu về tài nguyên nước kết nối, trao đổi với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Các mô hình đánh giá tài nguyên nước; Phần mềm phục vụ công tác điều tra, khảo sát.

Góp ý tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc xây dựng và thực hiện Đề án: "Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam". Đồng thời, Hội đồng thẩm định cũng có những góp ý chi tiết, cụ thể để hoàn thiện Dự thảo Đề án về nội dung, phương pháp, sản phẩm của nhiệm vụ và cách thức tổ chức thực hiện.

Nhất trí với ý kiến của các thành viên Hội đồng, ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng, nhanh chóng chỉnh sửa hoàn thiện Đề án trong thời gian sớm nhất để trình lãnh đạo Bộ TN&MT  xem xét, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 là lập bản đồ địa chất thủy văn cho các tầng, các cấu trúc chứa nước, phức hệ chứa nước và bản đồ tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi toàn quốc với tỷ lệ 1:100.000; đánh giá, xác định được các đặc trưng cơ bản của tài nguyên nước mặt; đồng thời lập được bản đồ tài nguyên nước mặt trên phạm vi toàn quốc, trên các lưu vực sông.

Phương Anh