Gần 90 nước tham gia thỏa thuận cắt giảm phát thải khí metan

Thế giới - Ngày đăng : 20:52, 02/11/2021

(TN&MT) - Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, gần 90 quốc gia đã tham gia thỏa thuận do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu nhằm cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Bong bóng khí metan trong một khu đầm lầy tại trạm nghiên cứu ở Stordalen Mire, Abisko, Thụy Điển. Ảnh: Reuters

Metan là khí nhà kính chính sau khí CO2. Metan có khả năng giữ nhiệt cao hơn CO2 nhưng phân hủy trong khí quyển nhanh hơn, do đó việc cắt giảm phát thải khí metan có thể tác động nhanh chóng đến việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Trong số các quốc gia ký kết mới sẽ có Brazil – 1 trong 5 nước phát thải khí metan lớn nhất thế giới. Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cũng nằm trong 5 nước phát thải khí metan hàng đầu, đã không ký vào cam kết.

Việc cắt giảm 30% khí metan sẽ do các bên ký kết cùng thực hiện và cắt giảm trong tất cả các lĩnh vực. Các nguồn phát thải khí metan chính bao gồm cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ, các mỏ than cũ, nông nghiệp và các bãi chôn lấp. Nếu được thực hiện, cam kết có thể sẽ có tác động lớn nhất đến ngành năng lượng, vì các nhà phân tích cho rằng sửa chữa cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ là cách nhanh nhất và có chi phí thấp nhất để hạn chế phát thải khí metan.

Mặc dù không phải là nội dung chủ đạo của các cuộc đàm phán chính thức của Liên Hợp Quốc, nhưng cam kết về khí metan có thể nằm trong số các kết quả quan trọng nhất từ ​​hội nghị COP26, do cam kết có thể góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 5 cho biết việc cắt giảm đáng kể lượng khí thải metan trong thập kỷ này có thể tránh được tình trạng Trái đất nóng lên gần 0,3 độ C vào những năm 2040. Tuy nhiên, nếu không cắt giảm, khí metan sẽ cản trở mục tiêu của Thỏa thuận Paris là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp và tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Theo quan chức chính quyền Biden, thỏa thuận toàn cầu về cắt giảm khí thải metan, được công bố lần đầu tiên vào tháng 9, hiện bao gồm 15 trong số 30 nhà phát thải khí metan hàng đầu, những nước chiếm 2/3 nền kinh tế toàn cầu. Kể từ khi hiệp ước được công bố vào tháng 9 với một số bên ký kết, Mỹ và EU đã nỗ lực hối thúc các nhà phát thải khí metan lớn nhất thế giới tham gia vào quan hệ đối tác cắt giảm khí metan. Tính đến tuần trước, trước thời điểm hội nghị COP26 diễn ra, đã có khoảng 60 quốc gia đồng ý tham gia vào nỗ lực cắt giảm khí metan cùng EU.

Mỹ là nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, trong khi EU là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất. Mỹ sẽ ban hành các quy định về khí metan trong tuần này. Trong khi đó, EU và Canada đều có kế hoạch công bố luật metan giải quyết lĩnh vực năng lượng vào cuối năm nay.

Mai Đan