Minh bạch để giữ "sạch" đất đai
Xã hội - Ngày đăng : 11:01, 02/11/2021
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi nêu ý kiến về vấn đề Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) tại Phiên thảo luận Tổ, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV hôm 29/10.
Chủ tịch nước khẳng định, quy hoạch đất đai là nền tảng quan trọng để phát triển các loại hình khác trong tái cơ cấu. Nước ta diện tích chỉ hơn 300.000km2 nhưng dân số tới 100 triệu người, là một trong những nước có bình quân đất đai rất thấp. Chính vì vậy, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả là điều rất quan trọng. Phải dành đất cho thế hệ cháu con chúng ta. Đất không sinh ra nên một yêu cầu lớn, lâu dài là phải quản lý có hiệu quả. Xã hội hóa, tư nhân hóa, nhưng cái gì Nhà nước cần phải quản lý, giữ cho mãi mãi những đời sau thì phải quản lý. Không được vô nguyên tắc trong quy hoạch đất đai.
Quy hoạch đất đai giúp phát triển bền vững |
Rõ ràng như lời khẳng định của Chủ tịch nước, đất đai không chỉ là nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất của nền kinh tế mà còn là nền tảng sinh kế của người dân. Khác với các tài nguyên hữu hạn khác, quản trị tốt tài nguyên đất còn quyết định sự ổn định xã hội, thịnh vượng quốc gia và bền vững môi trường.
Thế nhưng thực tế, những tấc đất tại nhiều nơi vẫn chưa thể tạo ra “tấc vàng” đúng nghĩa vì nạn tham nhũng, xâm lấn, chiếm đoạt đất công, quy hoạch treo, dự án treo… Hệ lụy là một phần lớn giá trị đất đai đã bị rơi vào lợi ích nhóm, thất thoát nguồn thu ngân sách và gây ra những mâu thuẫn xã hội chồng chéo, thậm chí là bi kịch trong câu chuyện thu hồi, đền bù. Không ít dự án sau khi thu hồi đất, người dân bị “đẩy” vào tình thế bấp bênh về sinh kế, mờ mịt về tương lai khi các yêu cầu về bảo đảm điều kiện tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm mới không được thực hiện theo đúng quy định.
Không khó để chứng kiến những cuộc "thiên di" của dòng người từ nông thôn vào đô thị với khát vọng đổi đời, gây quá tải ngày càng trầm trọng về cơ sở hạ tầng, chất lượng, môi trường sống của các khu vực này, kéo theo các mâu thuẫn xã hội gay gắt, kéo dài do quản lý bất cập về đất đai và các bất ổn xã hội.
Những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng và khai thác đất đai trong thời gian qua được xem là điển hình khiến không ít cán bộ quản lý cấp cao từ Trung ương đến địa phương lần lượt vướng vòng lao lý. Hàng loạt cuộc thanh kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương đã được tiến hành và chỉ rõ rất nhiều sai phạm nghiêm trọng dẫn đến thất thoát hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn tỷ đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực lập lại trật tự trong lĩnh vực đất đai nói riêng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng nói chung.
Nhiều vụ việc xử nghiêm được nhân dân đồng thuận, song đó vẫn là xử lý "phần ngọn", bởi mấu chốt vấn đề "phần gốc" là làm sao danh sách những vụ án tham nhũng đất đai không kéo dài thêm? Làm sao quyền tiếp cận thông tin của người dân về tính minh bạch của đất đai được tôn trọng? Làm sao giữa bản quy hoạch với cuộc sống của người dân không còn khoảng cách? Làm sao những quy định của pháp luật về đất đai thực sự đi vào cuộc sống?!
Quản lý đất đai chưa hiệu quả, điều mất đi không chỉ là tiền, nguồn lực phát triển mà lớn hơn là niềm tin của người dân về sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, về năng lực và sự công tâm của người quản lý...
Bấy lâu nay, những kẽ hở pháp lý trong quản lý, sử dụng đất đai đều đã bộc lộ, được điểm mặt, chỉ tên rất rõ. Giờ là lúc các cấp, các ngành phải gấp rút bịt kín những kẽ hở này để đảm bảo tính minh bạch giữ "sạch" đất đai. Và minh bạch chính là tiêu chí của xã hội công bằng, văn minh, thịnh vượng mà chúng ta hướng tới.