Bình Dương: Quản lý hiệu quả đất đai để phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:01, 02/11/2021

(TN&MT) - Sau gần 7 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, tỉnh Bình Dương đã rà soát các căn cứ, làm cơ sở thực hiện việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách về đất đai phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật đã khẳng định đúng đắn các quan điểm chỉ đạo, định hướng chính sách, pháp luật về đất đai để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ động phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai

Sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Sở TN&MT chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo chuyên đề và đăng tải các quy định mới về pháp luật đất đai trên Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh Bình Dương và Sở TN&MT. Ngoài ra, Sở TN&MT còn cử cán bộ tham gia các đợt tập huấn Luật Đất đai, Nghị định, Thông tư do Bộ TN&MT tổ chức.

Tính từ ngày 1/7/2014 đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành 7 Kế hoạch và tổ chức thực hiện được 4 hội nghị và hơn 17 lớp tập huấn chuyên đề về pháp luật đất đai cho tất cả các đối tượng quản lý, sử dụng đất như: Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của các Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND và các phòng, đơn vị cấp huyện và UBND cấp xã; các tổ chức sử dụng đất và văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh. Kết quả, thu hút được trên 3.500 lượt người tham gia.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho rằng: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai đã được triển khai thực hiện tích cực đến từng ban, ngành có liên quan, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và đạt nhiều kết quả tốt; đồng thời, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai đã có định hướng, đi vào trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai đã được đổi mới, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; đặc biệt, quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù.

Theo đó, nhận thức về pháp luật đất đai của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Quá trình triển khai tập huấn đã đảm bảo thời gian, chất lượng và nội dung truyền tải đến đối tượng được tập huấn; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai cũng được chú trọng, tăng cường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, giúp cho cán bộ và người dân nâng cao nhận thức và chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh.

Sở TN&MT Bình Dương có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Khai thác và sử dụng hiệu quả diện tích đất tự nhiên

Theo Sở TN&MT Bình Dương, Luật Đất đai năm 2013 đã thể chế hóa những quan điểm và nội dung theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển bền vững, tạo ra khung pháp lý khá hoàn thiện, góp phần tích cực phát triển nguồn lực tài chính từ đất đai; hoàn thiện các chính sách giao đất, tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Đến nay, hầu hết diện tích đất tự nhiên trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được khai thác và đưa vào sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bình Dương còn phân bổ quỹ đất đáp ứng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất cũng phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu đô thị hóa của tỉnh.

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo thẩm quyền của tỉnh. Qua đó, góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tránh tình trạng lãng phí quỹ đất, sử dụng kém hiệu quả; đồng thời, đảm bảo tính minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất. Việc ban hành các quy định pháp luật về đất đai và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh cũng sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng đất.

Đối với công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) cũng đã được các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn tích cực, chủ động trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đến nay, cơ bản công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận đã được tỉnh Bình Dương hoàn thành, đáp ứng được mục tiêu đề ra, tạo điều kiện cho người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp để thực hiện các quyền theo quy định.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Luật Đất đai năm 2013 đã có những thay đổi trong việc quy định các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Song, công tác thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vẫn gặp không ít bất cập, vướng mắc. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật trong việc xác định các trường hợp thu hồi đất, cải tiến công tác quy hoạch và giải phóng mặt bằng; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai

Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực cho đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành 7 Quyết định về công bố Bộ thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bình Dương hiện đang áp dụng Quyết định số 3335 ngày 6/11/2020 của UBND tỉnh về việc công bố TTHC chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT, UBND cấp huyện và cấp xã. Trong đó, lĩnh vực đất đai có 32 TTHC (cấp tỉnh), 23 TTHC (cấp huyện) và 1 TTHC (cấp xã) được áp dụng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh Bình Dương cũng đã cập nhật các nội dung TTHC lên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tuy bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhưng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bình Dương đã chủ động chỉ đạo ngành TN&MT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC để nâng cao chất lượng công tác cải cách TTHC, nhất là thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích; đồng thời, nâng cao tỷ lệ giải quyết đúng hạn đối với hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai, đảm bảo số lượng TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt tỷ lệ hơn 50% trên tổng số TTHC theo quy định.

Về tình hình cải cách TTHC lĩnh vực đất đai, những năm gần đây, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và còn trong hạn của Sở TN&MT Bình Dương đạt trung bình 99% trở lên. Sở TN&MT Bình Dương cũng thường xuyên rà soát, phân tích nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết một số hồ sơ trễ hạn so với quy định để có các biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc gửi thư xin lỗi cho người dân, doanh nghiệp đối với các trường hợp trễ hạn và gọi điện thoại xin lỗi hoặc gửi tin nhắn thông báo về tình hình giải quyết hồ sơ đến người dân, doanh nghiệp.

Hiện tại, Sở TN&MT Bình Dương đã xây dựng kế hoạch áp dụng và tiến hành đánh giá nội bộ Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2005 để kịp thời chỉ đạo khắc phục những điểm chưa phù hợp tại các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định. Đồng thời, Sở TN&MT kịp thời rà soát, công bố chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Định kỳ hàng tháng, Sở TN&MT Bình Dương còn phối hợp tiến hành đánh giá kết quả thực hiện, phân tích nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp đạt được mục tiêu đã đề ra.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ TN&MT, các văn bản pháp luật về đo đạc và bản đồ cụ thể, chi tiết tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa công tác này dần đi vào nền nếp và đạt được nhiều thành quả. Kết quả, hiện nay, tỉnh Bình Dương đã có một Hệ thống bản đồ địa chính phủ trùm toàn tỉnh 91/91 xã, phường, thị trấn, được đo vẽ và chỉnh lý bằng phương pháp toàn đạc, đây là một thuận lợi lớn trong công tác quản lý về đất đai. Bộ bản đồ này được đưa vào cơ sở dữ liệu và được thống nhất dùng chung ở 3 cấp tỉnh, huyện và xã.

Tường Tú