Hà Tĩnh: Bảo vệ tài nguyên nước trước tác động của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:00, 02/11/2021
Suy thoái nguồn nước gia tăng
Biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa lớn đối với cuộc sống con người, tàn phá các nguồn tài nguyên, trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên nước. Những năm gần đây, quy luật thời tiết đã có nhiều biến đổi khác thường, nắng nóng kéo dài và lượng mưa rất ít đã đẩy người dân Hà Tĩnh rơi vào cảnh lao đao vì thiếu nước.
Công trình hồ chứa nước Ngàn Trươi có dung tích 775 triệu m3 nước ở huyện Vũ Quang - Hà Tĩnh (Ảnh: Xuân Hoàn) |
Theo nghiên cứu mới đây nhất của Sở TN&MT Hà Tĩnh cho thấy, xu hướng biến đổi nhiệt độ, không khí những năm gần đây trên địa bàn có chiều hướng diễn biến phức tạp, thể hiện rõ qua từng giai đoạn: Nhiệt độ trung bình tăng theo thập kỷ từ 0,1 - 0,2oC, nhiệt độ trung bình thập kỷ 2000 - 2009 so với 10 - 30 năm trước tăng phổ biến từ 0,3 - 0,6oC. Mùa đông đang có xu hướng ấm dần lên, nhiệt độ trung bình mùa đông thập kỷ 2000 - 2009 so với 30 - 50 năm trước tăng phổ biến từ 0,6 - 1,2oC, riêng vùng Hương Khê tăng từ 0,7 - 1,4oC.
Tình trạng nắng nóng tại Hà Tĩnh trong vòng 20 năm trở lại đây có chiều hướng gia tăng. Nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ tối cao tuyệt đối phổ biến từ 36 - 40oC, có thời điểm vượt ngưỡng 40oC. Trong khi lượng mưa lại có xu hướng giảm rõ rệt, mưa có sự biến động lớn về không gian, thời gian xuất hiện và cường độ, hiện tượng mưa dầm trong vài thập kỷ gần đây ít khi xuất hiện hơn, mùa mưa thường xuất hiện muộn và kết thúc sớm.
Cùng với đó, Hà Tĩnh là nơi phải hứng chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai. Các hiện tượng như bão, lũ, lũ quét, dông sét, lở đất, hạn hán xuất hiện với tần suất và cường độ ngày một lớn.
Nhu cầu sử dụng nước ngày một gia tăng trong khi nguồn nước tiếp tục suy giảm. Mực nước các sông, suối ở Hà Tĩnh đang xuống thấp trong mùa kiệt. Trên sông La, tại khu vực Linh Cảm, mực nước thấp nhất là - 143cm (27/6/2010) - thấp nhất trong chuỗi quan trắc từ trước tới nay.
Điều này cho thấy Hà Tĩnh đã và đang phải đối mặt với những diễn biến bất thường của thời tiết, đứng trước những thách thức lớn về tài nguyên nước. Chế độ mưa thay đổi gây lũ nghiêm trọng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô; làm gia tăng xâm nhập mặn, thiếu nước tưới nông nghiệp. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng về cường độ và tần suất các cơn bão, dông tố, gây lũ lớn và ngập lụt, lũ quét, trượt lở đất và xói mòn; làm gia tăng thiếu hụt nước, đòi hỏi đáp ứng cấp nước và mâu thuẫn trong sử dụng nước hiện nay.
Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt những năm gần đây đang diễn ra ở nhiều địa phương tại Hà Tĩnh |
Thực trạng và giải pháp thích ứng
Những tác động từ biến đổi khí hậu ở Hà Tĩnh không chỉ ảnh hưởng về trữ lượng mà chất lượng nguồn nước cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng, thể hiện rất rõ. Đặc biệt, trên nhiều địa bàn chưa được cung cấp nguồn nước tập trung, người dân còn phải sống chung với cảnh nước nhiễm phèn, nhiễm mặn…
Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn ăn sâu vào nội địa đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Tại cống Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh - nơi cung cấp nguồn nước cho hệ thống thủy lợi sông Nghèn đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng ở mức 0,36%; một số xã của huyện Thạch Hà, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn buộc người dân phải bỏ số tiền lớn mua nước sạch đóng thùng về để sử dụng; biến đổi về dòng chảy kéo theo sự gia tăng độ mặn trên các sông Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng... đang đặt ra những thách thức lớn về tài nguyên nước.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho biết: “Mùa hè, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi như các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang. Trong khi đó, ở một số vùng thuộc huyện Đức Thọ và huyện Can Lộc khan hiếm nước sạch khiến người dân phải tích trữ nước mưa để ăn, nước ao hồ và từ các giếng khơi nhiễm phèn chỉ để tắm giặt”.
Theo Phòng Tài nguyên Nước, Biển và Hải đảo - Sở TN&MT Hà Tĩnh, trước vấn đề biến đổi khí hậu, cần siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý. Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, cần tập trung tuyên truyền cơ chế, chính sách trong việc khai thác, sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, dự trữ lâu dài, ưu tiên sử dụng tài nguyên nước để cấp cho sinh hoạt và các lĩnh vực sản xuất quan trọng gắn với bảo vệ môi trường.
Quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Bảo vệ môi trường, chung tay gìn giữ, tiết kiệm nguồn nước là giải pháp hiệu quả đảm bảo việc quản lý, phát triển bền vững nguồn nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Hà Tĩnh có hơn 300 hồ, đập với một trữ lượng nước khá lớn.Mặc dù vậy, địa phương đang phải cân đối lại nguồn nước thủy lợi và nguồn nước sinh hoạt một cách hợp lý để đảm bảo sử dụng bền vững nguồn nước trước những thách thức của biến đổi khí hậu.