Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau: Lợi nhuận sau thuế quý 3 tăng 3,7 lần so với cùng kỳ

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 05:30, 29/10/2021

(TN&MT) - Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HoSE: DCM) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, ghi nhận doanh thu thuần quý 3 đạt 1.812 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 374 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần DCM tăng 14% lên 6.048 tỷ đồng, khấu trừ chi phí DCM đạt lợi nhuận sau thuế 822,6 tỷ đồng, tăng 78% so với 9 tháng đầu năm ngoái. So với kế hoạch cả năm, DCM đã vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận năm.

DCM ghi nhận kết quả SXKD quý 3 tăng trưởng mạnh

DCM cho biết, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ và hợp nhất quý 3/2021 tăng so với cùng kỳ do giá vốn bán hàng giảm 30% do sản lượng tiêu thụ giảm, đồng thời giá bán các sản phẩm phân bón tăng cao trong quý 3/2021. Cụ thể, giá bán bình quân sản phẩm urê tăng hơn 64%, dẫn đến lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh tăng 130% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu tài chính công ty mẹ tăng 7,35 tỷ đồng, tương ứng tăng 21,28%, trong khi chi phí tài chính giảm 5,86 tỷ đồng, tương ứng giảm 56,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu sử dụng phân bón tăng mạnh cho nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới trong đại dịch Covid-19, cùng với nguồn cung bị gián đoạn đã đẩy giá phân bón tăng cao. Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực, cổ phiếu ngành phân bón liên tục bứt phá, lập những đỉnh giá mới kể từ đầu năm 2021 đến nay.

Trong thời gian qua, cổ phiếu DCM liên tục bứt phá lập những đỉnh lịch sử mới, trong đó đỉnh giá mới nhất là 33.800 đồng/cổ phiếu, thiết lập vào ngày 21/10/2021. Giá cổ phiếu DCM đã tăng hơn 39% trong vòng 1 tháng, hơn 70% trong quý và hơn 180% trong vòng 1 năm qua.

Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đánh giá, ngoài yếu tố giá phân bón tăng hỗ trợ việc chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng, DCM cho thấy một số tín hiệu sản xuất kinh doanh tích cực khác. Cụ thể, DCM đã xuất xưởng lô phân bón NPK đầu tiên với sản lượng 20.000 tấn đúng vào dịp mùa vụ Hè Thu, tiêu thụ tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mảng phân bón NPK hứa hẹn sẽ là động lực tăng trưởng cho DCM trong những năm tiếp theo, bên cạnh sản phẩm urê đã chiếm lĩnh thị trường rộng lớn là miền Tây Nam Bộ và Campuchia.

PV