Thừa Thiên - Huế: Khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 10:15, 28/10/2021

(TN&MT) - Sau nhiều năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã có những chuyển biến tích cực. Để rõ hơn vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

PV: Xin ông cho biết những kết quả mà Thừa Thiên -Huế đạt được khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 19?

Ông Phan Quý Phương: 

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức triển khai các nội dung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, huy động tốt nhất nguồn lực từ đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường; khắc phục tình trạng lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện liên quan đến đất đai; tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Cụ thể, về kết quả giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn từ ngày 1/1/2013 đến 31/12/2020, đã giao đất 175 trường hợp với diện tích 920,93ha; thuê đất 694 trường hợp với diện tích 19.983,10ha. Kết quả giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với tổ chức từ ngày 1/1/2013 đến ngày 31/12/2020 là 16 trường hợp, diện tích 7,66ha.

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Hàng năm, Hội đồng tư vấn đã ban hành trên 240 văn bản tham mưu UBND tỉnh giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Từ đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư diễn ra thuận lợi và hạn chế tình trạng khiếu kiện, khiếu nại. Đặc biệt, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án lớn như mở rộng QL1A, Cửa ngõ phía Bắc TP. Huế; Đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - Túy Loan, Đường La Sơn - Nam Đông; Di dời, giải tỏa để bảo tồn Kinh thành Huế...

Về kết quả thực hiện đấu giá giao quyền sử dụng đất ở và cho thuê đất từ 1/7/2014 đến ngày 31/12/2020, tổng diện tích được đưa ra đấu giá 260.245m2; tổng số tiền thu được nộp ngân sách Nhà nước là 2.224 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 37 cơ sở tôn giáo được UBND tỉnh giao đất với tổng diện tích 123.267,9m2. Từ ngày 1/7/2014 đến ngày 10/4/2021, cấp được 9.477 Giấy chứng nhận cho các tổ chức, cơ sở tôn giáo, đạt tỷ lệ 98,92% .

PV: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19, địa phương gặp phải những vướng mắc, khó khăn gì cần tháo gỡ, thưa ông?

Ông Phan Quý Phương:

 Nhìn chung, tình hình triển khai Nghị quyết số 19 trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn hạn chế như công tác quản lý đất đai vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất (chủ yếu là đất nông, lâm trường), tự ý chuyển mục đích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc như việc xây dựng khu tái định cư trước khi thu hồi đất ở triển khai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở hạ tầng không được đầu tư đồng bộ theo quy định.

Nhận thức về pháp luật đất đai và các quy định về cấp Giấy chứng nhận của một số cán bộ chuyên môn, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp xã, huyện còn hạn chế, dẫn đến thực hiện còn lúng túng, không dám giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục. Cán bộ làm công tác tài nguyên và môi trường tại các cấp còn thiếu, thường xuyên thay đổi nhất là cán bộ địa chính cấp xã.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý đất đai còn thiếu và chưa thật sự đồng bộ.

PV: Vậy tỉnh có kiến nghị và đề xuất gì để nâng cao hiệu quả thi hành Luật đất đai tại địa phương?

Ông Phan Quý Phương:

Chính sách pháp luật về đất đai có tác động trực tiếp tới hầu hết mọi hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường của đất nước, cũng như cuộc sống của các cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình và mỗi người dân. Do đó, để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, UBND tỉnh mong muốn kiến nghị, đề xuất một số nội dung sửa đổi liên quan đến Luật Đất đai.

Thừa Thiên - Huế đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai. Trong ảnh là đô thị TP. Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Dinh

Trước hết là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiện đại; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất. Đồng thời, tập trung nguồn lực xây dựng hoàn thiện và vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai…

Mặt khác, chúng tôi nhận thấy tại các luật, trong đó có Luật Đất đai chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp thực hiện các dự án du lịch kết hợp nhà ở, trong khi đây là một nhu cầu thực tế cần được thể chế hóa.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Đất đai 2013, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đối với các dự án sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ không thuộc trường hợp được Nhà nước thu hồi theo quy định tại Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai thì nhà đầu tư phải tiến hành thỏa thuận để nhận chuyển nhượng theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai. Tuy nhiên hiện nay, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về trình tự thực hiện cũng như chế tài đối với một số trường hợp hoặc phần diện tích nhỏ còn lại không thực hiện thỏa thuận được, do đó, một số công trình, dự án không thể triển khai hoặc tiến độ triển khai chậm so với tiến độ được phê duyệt đặc biệt đối với các dự án có diện tích lên đến vài chục, vài trăm hecta mặc dù chính quyền, địa phương các cấp đã vận động. Từ thực tế đó, kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, có kiến nghị sửa đổi để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Văn Dinh (thực hiện)