TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP Bài 3: Những đề án…sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn

Kinh tế - Ngày đăng : 16:52, 26/10/2021

(TN&MT) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên, khóa XIV (nhiệm kỳ 2020 – 2025) là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững. Ba đề án chuyên đề của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên được xây dựng và thông qua Ban cán sự Đảng bộ tỉnh vừa qua là “xương sống” cho một lộ trình phát triển ngành kinh tế nông, lâm nghiệp của Điện Biên.

Tập hợp các yếu tố… phát triển mô hình kinh tế nông - lâm

Trong các đề án phát triển ngành nông nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên là một trong những cơ sở có sức thuyết phục cao về mặt lí luận, thực tiễn đáp ứng cơ bản những điều kiện về chủ quan và khách quan khi triển khai mô hình kinh tế nông – lâm nghiệp tại địa phương, được xây dựng đều dựa trên cơ sở nền tảng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa, phong tục tập quán canh tác của người dân.

Từ cơ sở này mà đề án được phân chia theo những vùng miền thích ứng, các địa phương sẽ căn cứ vào đó để phát huy thế mạnh của mình. Với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp tương đối lớn 694.753ha (chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), đây là một trong những điều kiện tốt nhất để Điện Biên phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay do khoảng cách địa lý, thói quen canh tác và những yếu tố chủ quan, khách quan mà kinh tế lâm nghiệp của Điện Biên phát triển rất chậm và thấp (chỉ chiếm khoảng 2,4% GRDP của tỉnh), người dân chưa thể sống được bằng nghề rừng.

Mục tiêu của tỉnh Điện Biên từ nay đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,5%chủ yếu là rừng tự nhiên. Trong ảnh: Một góc ảnh chụp rừng Điện Biên

Vì vậy, để ngành lâm, nông nghiệp tỉnh Điện Biên phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, góp phần thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên, lần thứ XIV, (nhiệm kỳ 2021 – 2025)

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Điện Biên sẽ hình thành 6 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, bền vững, gồm các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà, Điện Biên Đông và TP. Điện Biên Phủ với tổng diện tích là 3.000ha, với một số loại cây ăn quả chính như: Cam, nhãn, xoài, bưởi, dứa, vú sữa, bơ, táo mèo, chuối và một số cây khác như lê, chanh leo.... Trong đó, diện tích chuyển đổi trên đất dốc trồng cây lương thực kém hiệu quả (lúa nương, ngô...) sang trồng cây ăn quả là 1.000ha; diện tích sản xuất để cung ứng cho thị trường tiêu thụ quả trong, ngoài tỉnh; đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và các tiêu chuẩn tương đương; Diện tích vùng nguyên liệu sản xuất đáp ứng cho các nhà máy chế biến quả bao gồm: Chanh leo, Xoài, nhãn, Cam, Bơ, Táo mèo... Đồng thời, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất giống để toàn tỉnh có khoảng 2-3 cơ sở sản xuất giống, trong đó ưu tiên xây dựng vườn ươm giống tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên để đáp ứng đủ nhu cầu giống trồng mới cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc chọn giống cây cho phù hợp với địa phương và xác định vùng nguyên liệu thì khâu tổ chức thực hiện cũng được đưa vào các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Đặc biệt, chú trọng việc hình thành, phát triển các mô hình liên kết sản xuất giữa các tổ chức (doanh nghiệp/hợp tác xã…) với các hộ gia đình trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả.

Chú trọng việc liên kết mở rộng vùng nguyên liệu cây ăn quả với các nhà máy chế biến của tỉnh Sơn La (Công ty Nafoods Tây Bắc, Công ty TH True milk, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao với một số cây ăn quả chính như: Chanh leo, Dứa, Táo mèo...) và các tỉnh lân cận. Đồng thời, xây dựng một số cơ sở sơ chế, chế biến, xử lý, đóng gói, bảo quản sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn các huyện, thành phố tại các vùng trồng quả tập trung, quy mô lớn, tạo điều kiện để các Hợp tác xã chủ động nâng cao năng lực sản xuất và giá thành sản phẩm cây ăn quả. Tăng cường năng lực, sơ chế, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng. Áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật để kéo dài thời vụ của các loại quả, trong sơ chế, bảo quản quả tươi và các sản phẩm cây ăn quả.

Việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý là một trong những nội dung quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dự kiến mỗi năm tổ chức 2 lần trở lên cho các hộ, các trang trại, các cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, lễ hội về cây ăn quả do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các tỉnh, thành trong nước. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các loại quả chủ lực như: Táo mèo – Tuần Giáo, lê của TP. Điện Biên Phủ và dứa – Mường Chà...

Ngoài ra, ngành sẽ tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo một số công trình thủy lợi gắn liền với ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tưới tiết kiệm nước cho một số loại cây ăn quả như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương... cho 1.000ha cây ăn quả. Áp dụng mô hình nhà kính, nhà lưới đối với việc sản xuất một số loại cây ăn quả giá trị cao như: dưa lưới, dâu tây, nho... với tổng diện tích 500ha.

Cây Mắc ca đã trồng thử nghiệm thành công tại tỉnh Điện Biên. Hiện nay cây phát triển tốt và cho sản lượng theo yêu cầu. Trong ảnh: Vườn cây Mắc ca tại xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ

Song song với đó là triển khai đề án trồng cây lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp chưa có rừng. Trồng mới từ 5.000 đến 7.000ha rừng trồng sản xuất tập trung và  500.000 cây phân tán (bằng các loài cây gỗ lớn, có giá trị như: giổi xanh, giổi găng, tô hạp, lát hoa, thông caribe,... hoặc các loài cây mọc nhanh bằng các giống mô, hom như: Keo tai tượng, bạch đàn,...); thu hút đầu tư phát triển các cơ sở sở chế, chế biến gỗ quy mô nhỏ. Riêng đối với dự án trồng cây mắc ca phấn đấu là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, được xác định từ nay đến năm 2030 dự kiến toàn tỉnh Điện Biên sẽ thực hiện trồng mới 120.000ha cây mắc ca. Tập trung chủ yếu ở giai đoạn 2021 – 2025 phát triển khoảng 70.000ha; giai đoạn 2026 – 2030 là 50.000ha, tại các địa phương Nậm Pồ, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và TP. Điện Biên Phủ, dựa trên phương thức hợp đồng liên kết (nhà đầu tư liên kết sản xuất với người dân qua các HTX mắc ca hoặc cho nhà đầu tư thuê đất và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Ngoài ra còn mở rộng diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị (sa nhân, thảo quả, đẳng sâm, sơn tra, giổi xanh ghép, trám, mạy chả, mắc khén...) và tiềm năng đầu ra của sản phẩm để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vùng rừng, giảm áp lực khai thác dược liệu, lâm sản ngoài gỗ của người dân vào tài nguyên rừng, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên này trong tự nhiên; phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 1.000ha cây lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì phụ thuộc chủ yếu vào sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương, các phòng ban chuyên môn. Đặc biệt là hoài bão, khát vọng, ý trí làm giàu từ phía người dân.

Lộ trình phát triển đàn gia súc....

Phát triển đàn gia súc vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những đề án của ngành nông nghiệp được xây dựng, từ tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó, đề cao vai trò kinh nghiệm, chăn thả mang yếu tố bản sắn văn hóa, tập tục của vùng miền. Đồng thời nâng tầm lên thành một mặt hàng tạo giá trị hàng hóa, vùng nguyên liệu dồi dào, an toàn và bền vững.

Mục tiêu của đề án nhằm: Phát triển nhanh chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, có sức cạnh tranh cao, có hiệu quả và phát triển bền vững; trở thành ngành sản xuất chủ lực của tỉnh cung cấp trâu, bò, dê giống; trâu, bò, dê thịt có năng suất, chất lượng; cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh bạn, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Mô hình phát triển đại gia súc được xem là rất phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc ở Điện Biên.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đề án xoay quanh một số vật nuôi quen thuộc với đồng bào các dân tộc của Điện Biên, như: trâu, bò, dê. Cơ bản họ đã có kiến thức về việc chăn nuôi và phòng bệnh cho những vật nuôi này, chỉ phát triển nâng quy mô tổng đàn, số lượng con trong một đàn và không đơn thuần chỉ là việc thả rông mà phải trồng cỏ tạo vùng nguyên liệu thức ăn phong phú, xây chuồng trại và những kỹ năng chăm sóc bài bản hơn.

Việc phát triển đàn trâu tập trung ở một số huyện Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ và một số xã huyện Điện Biên,… Đồng thời, duy trì ổn định đàn trâu bản địa để giải quyết một phần sức kéo, phát triển đàn trâu giống ở các địa phương có lợi thế và nghề truyền thống nuôi trâu; cải tạo, nâng cao tầm vóc, rút ngắn chu kỳ nuôi, phát triển nuôi trâu lấy thịt đáp ứng nhu cầu thịt và các sản phẩm từ thịt cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Còn việc phát triển đàn bò theo hướng chăn nuôi bò thịt hàng hóa, tăng tổng đàn, quy mô chăn nuôi trong nông hộ và trang trại, ứng dụng công nghệ tăng năng suất, sản lượng thịt hơi; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò địa phương, chọn lọc bò có tầm vóc để làm bò cái nền nhằm tiếp tục nhân giống và tạo ra đàn bò có năng suất, chất lượng cao tập trung phát triển tại các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ và một số xã thuộc TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay,…

Đối với việc phát triển chăn nuôi dê theo hướng trang trại kết hợp nuôi nhốt và bán chăn thả là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đàn dê, tăng quy mô tổng đàn và nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua khảo sát cho thấy, tại các huyện có lợi thế nuôi dê như: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Mường Chà và Nậm Pồ,...

Ông Hải cho biết thêm: Nếu phát triển đàn gia súc thì cần phải thực hiện song song việc quy hoạch và chuyển đổi tối đa diện tích đất chưa sử dụng, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc ăn cỏ;  hình thành các vùng chăn nuôi tập trung hàng hóa, áp dụng tiến bộ xử lý môi trường hiệu quả; xây dựng thương hiệu sản phẩm trâu gác bếp; bò H' Mông, dê Điện Biên.

Đây là những hướng đi mới, tập trung vào một số sản phẩm rất đặc thù của địa phương, nhằm khai thác triệt để các lợi thế, thế mạnh của từng vùng, từng huyện, từng xã. Tuy nhiên, để các đề án của ngành nông nghiệp tỉnh Điên Biên được triển khai có hiệu quả thì yếu tố then chốt vẫn là ý trí, nghị lực, khát vọng làm giàu của người dân. Mà yếu tố quan trọng là nâng cao năng lực làm việc theo nhóm, theo tổ, theo mô hình liên kết... từ đó mới tạo thành sức bật của từng vùng. Các đơn vị tiêu thụ sản phẩm sẽ yên tâm khai thác vùng nguyên liệu sẵn có ở địa phương và đây sẽ là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy, các cơ sở sơ chế, chế biến sản xuất tại vùng nguyên liệu. Người dân và sự liên kết chặt chẽ ấy sẽ tạo thành một mối quan hệ thống nhất trong sản xuất, trong tiêu thụ… tạo nên yếu tố thị trường và cơ hội thành công trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

 

Trần Hương