Theo sát diễn biến, cảnh báo kịp thời các rủi ro của áp thấp nhiệt đới
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:06, 26/10/2021
Dự cuộc họp có Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái; các chuyên gia dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, các Viện và kết nối trực tuyến đến các Đài KTTV khu vực: Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.
|
||
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp |
Áp thấp nhiệt đới đi vào các tỉnh Nam Trung Bộ
Tại cuộc họp, các chuyên gia dự báo nhận định, áp thấp nhiệt đới ít có khả năng hình thành bão, gió ở khu vực ven biển và trên đất liền đạt cấp 6, cấp 7, có thể giật cấp 8. Tâm áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào các tỉnh Nam Trung Bộ, khu vực tỉnh Khánh Hòa đến Ninh Thuận. Lượng mưa do áp thấp nhiệt đới gây ra ở khu vực từ Bình Định đến Ninh Thuận đạt khoảng từ 150-250mm có nơi trên 300mm, các khu vực sâu trong đất liền lượng mưa thấp hơn. Bên cạnh đó, dù tác động của gió mạnh không lớn nhưng cần chú ý đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản và khu vực khai thác khoáng sản.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái, khu vực áp thấp nhiệt đới đổ bộ, trước đó có mưa to, các hồ chứa đã đầy nên chỉ cần mưa thêm 100-150mm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khu vực này. Do đó, ông yêu cầu các đơn vị ứng dụng hiệu quả các sản phẩm công nghệ vào công tác dự báo. Đồng thời, chú ý đến nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất để cảnh báo chi tiết kịp thời cho các địa phương nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Quang cảnh cuộc họp |
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV tiếp tục theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới, cảnh báo kịp thời những rủi ro thiên tai có thể xảy ra với các hoạt động kinh tế-xã hội của địa phương. Chú trọng dự báo tác động của mưa lũ với các ngành kinh tế trọng điểm như khai khoáng trên vùng Tây Nguyên và các địa phương khác, nuôi trồng thuỷ sản ven biển, các công trình xây dựng trọng điểm, hệ thống giao thông ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên mưa to
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 26/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách Khánh Hòa khoảng 300km, cách Ninh Thuận khoảng 280km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 27/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến phía Bắc Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 10,5 đến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè biển trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới |
Trên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.
Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.
Ngoài ra, ở khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ hôm nay (26/10) đến hết ngày 27/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.
Trong đó, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ: 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Từ ngày 27-30/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.