Thay đổi để vươn xa hơn
Xã hội - Ngày đăng : 11:00, 26/10/2021
Sau những nỗ lực không ngừng, chỉ số xếp hạng phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng 5 bậc, xếp thứ 49/166 quốc gia. Số liệu này vừa được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia năm 2020: “Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do Bộ KH&ĐT tổ chức.
Đây là kết quả rất đáng khích lệ thể hiện Việt Nam là một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc tích cực tham gia vào tiến trình này. Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình trong thực hiện Chương trình Nghị sự 21 về phát triển bền vững, đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu trong thời gian qua và dự kiến đến năm 2030, đạt được 5 trong số 17 mục tiêu, bao gồm: Xóa nghèo, Xóa đói, Giáo dục có chất lượng, Hành động bảo vệ khí hậu và Quan hệ đối tác toàn cầu.
Điều này thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước chèo lái con thuyền phát triển kinh tế - xã hội. Với nhiều thuận lợi và không ít chông gai thời gian qua nhưng chúng ta luôn kiên định mục tiêu phát triển bền vững và trở thành quan điểm xuyên suốt trong chính sách của Đảng, Nhà nước, được cụ thể hóa trong từng kế hoạch, giai đoạn.
Ảnh minh họa. |
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó, đã đề ra 17 Mục tiêu Phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68 về lộ trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Đây là những quyết sách lớn thể hiện tầm nhìn chiến lược, đòn bẩy để xây dựng hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, hiện đại và hội nhập.
Nhìn lại chặng đường đã qua, nhân loại chứng kiến đại dịch Covid-19 hoành hành và tác động đa diện của nó trên toàn cầu, có nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển, làm tăng rủi ro không hoàn thành 17 Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 ở nhiều quốc gia.
Song trong tình thế gian nguy đó, Việt Nam càng kiên định Mục tiêu Phát triển bền vững; huy động sự vào cuộc của toàn dân, toàn hệ thống chính trị; huy động mọi nguồn lực xã hội và tăng cường phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030.
Nhìn nhận từ những kinh nghiệm, bài học trong phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, chúng ta đều nhận thức rõ trách nhiệm phải chống dịch, trước hết vì bản thân, với những người thân, vì cộng đồng và rộng hơn nữa là cả thế giới. Phát triển bền vững chỉ có thể thành công nếu tất cả mọi người đều nhận thức đã phát triển là phải bền vững.
Từ tăng trưởng kinh tế cho đến phát triển kinh tế, rồi phát triển bền vững, không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi, mà ẩn sau đó là cả những nội hàm rất sâu sắc xuất phát từ quá trình thay đổi nhận thức. Nói khác đi, để đi đến được khái niệm phát triển bền vững là một quá trình dài thay đổi tư duy và hiểu biết của chúng ta về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa thực sự của sự phát triển.
"Không để ai bị bỏ lại phía sau" là mục tiêu cốt lõi của các Mục tiêu Phát triển bền vững. Đây cũng chính là lời nhắc nhở chúng ta phải đảm bảo mọi nỗ lực cần tập trung giải quyết để đạt đến sự công bằng trong xã hội bằng sự huy động đông đảo người dân tham gia đóng góp cho tăng trưởng, chia sẻ thành quả tăng trưởng tới các tầng lớp nhân dân, bảo đảm được mục tiêu không một ai bị bỏ lại phía sau, có như vậy, tăng trưởng mới thực sự ý nghĩa.
Hơn lúc nào hết, phát triển nhanh, bền vững phải là mệnh lệnh của cuộc sống hiện tại và tương lai.