Xe “nuốt” rác ra đời từ lòng trắc ẩn

Câu chuyện môi trường - Ngày đăng : 10:58, 26/10/2021

(TN&MT) - Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Minh Triết, nhóm các em: Phương, Hà, Sang, Uyên, Hân, Ngọc, học sinh trường THCS Cách mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM đã chế tạo một sản phẩm độc đáo gọi là xe vệ sinh đa năng, hay dễ hơn, còn gọi là xe “nuốt” rác.

Xe có khối lượng 10kg, dài 1,5m, rộng 0,5m, gồm các bộ phận: bánh xe, chổi, băng chuyền, ống nhựa PVC, bình ắc quy, thùng rác, sắt V lỗ, tấm nhựa PVC Foam và một số thiết bị hỗ trợ khác. Xe còn được các em vẽ thêm các họa tiết sinh động, bắt mắt và viết vào đó thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường.

Lý do để chiếc xe ra đời nghe rất đáng yêu. Các bạn nhỏ bắt tay vào chế chiếc xe này vì thương các cô chú lao công hàng ngày phải vất vả quét dọn, phân loại, vận chuyển rác thải. Trưởng nhóm Nguyễn Trương Mai Phương nói rằng: “Vào những lúc tiết trời oi bức, cộng thêm mùi hôi của rác thải khiến các cô chú lao công đổ bệnh. Điều này khiến chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe của các cô chú nếu làm việc lâu dài”.

Thầy Nguyễn Minh Triết cùng các thành viên trong nhóm sáng chế xe vệ sinh đa năng.

Từ lòng trắc ẩn, thương cô chú lao công, các em đã nghĩ đến trách nhiệm của bản thân mình, từ đó quyết tâm biến lòng trắc ẩn thành hành động thiết thực, cũng là kết hợp thử sức tư duy và khẳng định học phải đi đôi với hành.

Sản xuất một chiếc xe dọn rác để thay công sức lao động của con người là việc làm không dễ với các em học sinh cấp hai, nhưng các em đã thành công. Mô hình xe vệ sinh đa năng xuất sắc đoạt giải nhất bảng B1 dành cho bậc tiểu học và THCS trong Hội thi Tin học trẻ TP.HCM lần thứ 28 năm 2019, được chọn tham dự Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 25 tại Quảng Bình.

Thầy Nguyễn Minh Triết (giáo viên hướng dẫn nhóm) cho biết, thầy rất vui trước sự thông minh và tấm lòng trắc ẩn của các em học sinh. Thầy mong muốn khi việc đi học trở lại bình thường, nhóm sẽ nâng cấp thêm hệ thống tiện ích, thông minh và “Điều quan trọng nhất là việc phân loại rác cần được cải thiện để tăng độ chính xác hơn hoặc phân loại được nhiều loại rác thải như hiện nay”.

Đình Du