Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Hồi sinh rừng ngập mặn Đồng Rui - Bài 2: Rừng đã vui trở lại

Biển đảo - Ngày đăng : 10:55, 26/10/2021

(TN&MT) - Ký ức buồn của hơn chục năm về trước nay đã lùi xa, Đồng Rui hôm nay đã khoác lên mình diện mạo của một xã nông thôn mới khang trang, sạch đẹp. Những mảng đất trống do những đầm nuôi tôm, nuôi cua bỏ hoang nay đã cơ bản được phủ bởi màu xanh của những cánh rừng ngập mặn cao lút đầu người.

Trồng đã khó, giữ còn khó hơn

Tiếp nối câu chuyện còn dang dở về những cánh rừng ngập mặn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Rui, Nguyễn Quốc Trưởng vui vẻ chỉ tay về những mảng xanh của rừng. Anh nói, rừng ngập mặn đã vui trở lại rồi, nhiều loài thủy sản trở lại, chim chóc cũng kéo về làm tổ nhiều hơn, người dân giờ an tâm không còn thấp thỏm lo âu mỗi khi có mưa gió.

Ngược về những năm 1998, trước thực trạng tàn lụi của rừng, đe dọa sự an toàn môi trường sống và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với người dân đã nhận thấy không còn cách nào khác là phải khôi phục lại diện tích rừng đã mất. Đây cũng là chủ trương của Đảng, của chính quyền đặt ra được nhân dân xã đảo đồng thuận và sự quan tâm giúp đỡ tài trợ của các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ.

Xã đảo Đồng Rui phát triển trù phú nhờ rừng ngập mặn che chắn khỏi thiên tai, bão lũ.

Đã có nhiều tổ chức như Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Môi trường, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng Chương trình FGP - PTE (của EC, UNDP) phối hợp cử nhiều đoàn chuyên gia, cán bộ cùng các nhà khoa học dành nhiều thời gian nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cùng với địa phương tuyên truyền cho nhân dân, tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ xã đến thôn xóm. Diện tích rừng còn lại được bảo vệ, giữ gìn. Việc trồng rừng mới, trồng dặm trên diện tích đất trống do những đầm nuôi hải sản không hiệu quả bỏ hoang được thu hồi. Hơn 10 năm qua, tổng diện tích rừng ngập mặn của Đồng Rui được trồng mới là hơn 1.000ha.

Tuyến đường bê tông nối liền Quốc lộ 18A vào trung tâm xã rồi tỏa ra bao quanh xã đảo. Tuyến đường dài trên 20km vừa là đường giao thông và cũng là con đê chắn sóng cho Đồng Rui mỗi khi có bão gió. Có đường giao thông mới giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con trong xã được thuận lợi, tạo đà phát triển kinh tế của người dân, cũng là tiền đề để xây dựng những tour du lịch thu hút du khách thích khám phá cảnh đẹp của thiên nhiên hoang sơ nơi đây.

Còn anh Hoàng Văn Thống, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Hạ (xã Đồng Rui) kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng ngập mặn của thôn cho hay, để có được hôm nay, phải kể đến sự đồng lòng ủng hộ và biết bao công sức của người dân xã đảo Đồng Rui. Khi người dân đã thấu hiểu được vai trò của những cánh rừng ngập mặn là sự sống còn của cuộc sống nên mỗi khi xã phát động chiến dịch ra quân xuống biển trồng rừng là nhận được sự đồng thuận của mọi nhà tích cực tham gia trồng rừng giữ biển.

Và cứ vậy, năm này nối sang năm khác, đất không phụ công người, những giọt mồ hôi đã đổ xuống dưới cái nắng oi ả của mùa hạ, hay cái giá rét của mùa đông mà các chuyên gia và người dân xã Đồng Rui phải trải qua đã đem lại màu xanh của những cánh rừng ngập mặn, thay thế dần những mảng đất trống. Việc trồng rừng mới, trồng dặm những chỗ trống vẫn diễn ra hàng năm tại Đồng Rui, đem lại màu xanh của xã đảo. Có điều, trồng được rừng đã khó, nhưng giữ được rừng lại càng khó hơn gấp bội.

Để giữ rừng, cộng đồng dân cư trong xã đã tự thành lập Tổ quản lý, bảo vệ để thực hiện nội dung của bản Quy ước đã được nhất trí và thông qua. Đội quản lý tự quản gồm 6 thành viên. Tổ trưởng do bà con bầu. Tổ tự quản sẽ thay mặt bà con và chính quyền xã tuần tra, theo dõi, giám sát và xử lý các tình huống, các vụ vi phạm quy định đã được thông qua. Dự án hỗ trợ một phần kinh phí bước đầu cho các hoạt động của Tổ tự quản tại các thôn trong xã.

Việc chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng giờ đã được chuyên nghiệp hơn nhờ các Tổ bảo vệ rừng ở các thôn. Với hàng loạt các biển báo nhắc nhở người dân luôn quan tâm bảo vệ rừng, cũng như công bố số điện thoại của lãnh đạo xã để thông tin kịp thời những hành vi xâm hại rừng ngập mặn, trách nhiệm của mọi người dân trong xã được nâng lên, rừng được bảo vệ, giữ gìn tốt hơn.

Nhiều tổ chức quốc tế đã hỗ trợ và tham gia trồng mới rừng ngập mặn tại xã Đồng Rui.

Năm 2020, các chuyên gia của dự án hỗ trợ trồng rừng đã xây dựng và hướng dẫn triển khai mô hình kinh tế sinh thái cho người dân Đồng Rui nhằm giảm áp lực khai thác lên rừng ngập mặn. Người dân được hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng quy trình khai thác các loài hải sản như cá, tôm, cua, vạng, ngao một cách bền vững gắn với việc quản lý bảo vệ rừng ngập mặn và đã cho kết quả tốt. Nhờ đó, tài nguyên rừng ngập mặn, đặc biệt là các loài thủy, hải sản sẽ được khai thác và sử dụng hợp lý và bền vững, đảm bảo cho việc khai thác và sử dụng một cách lâu dài, hạn chế tối đa mọi tác động làm suy kiệt nguồn tài nguyên và hủy hoại môi trường.

Để giữ rừng, đảm bảo không còn việc chặt phá rừng ngập mặn làm củi đốt, các chuyên gia dự án đã tiến hành lựa chọn một số hộ dân tại thôn Hạ và thôn Thượng, xã Đồng Rui để hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm biogas tạo khí đốt cung cấp việc nấu nướng, sinh hoạt cho các hộ gia đình trong xã. Đến nay, rừng ngập mặn được bảo vệ nghiêm ngặt, không còn xảy ra tình trạng chặt phá lấy củi như nhiều năm về trước.

Giấc mơ rừng

Bên ấm trà cuối ngày, anh Nguyễn Quốc Trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Rui đã mở lòng về những dự định ấp ủ bấy lâu nay về việc trồng, bảo vệ rừng và hơn thế… Anh đưa tôi xem bản tham luận mà anh mang đi dự Hội thảo về bảo vệ rừng ngập mặn tại TP. Hồ Chí Minh mấy năm về trước, với mục đích lan tỏa về cách làm hiệu quả từ việc khôi phục, chăm sóc, bảo vệ rừng và mong muốn rừng ngập mặn Đồng Rui sớm được công nhận thành khu Ramsar.

Hoàng hôn dần buông xuống nơi xã đảo Đồng Rui, trước khi chia tay chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Trưởng dè dặt đề nghị ước mong của anh và Đảng ủy, chính quyền, nhân dân đến được với những cơ quan cần thiết để Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng có sự hướng dẫn, giúp đỡ thêm nhằm giúp xã đảo Đồng Rui thực hiện thành công đưa rừng ngập mặn Đồng Rui trở thành khu bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn, bảo tồn thiên nhiên, để tạo điều kiện hơn nữa cho Đồng Rui phát triển thành khu sinh thái đặc biệt.

Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên cùng người dân xã Đồng Rui thả cá thể rùa quý hiếm về môi trường tự nhiên.

Được như vậy, sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương, tạo sinh kế cho người dân xã Đồng Rui phát huy giá trị những cánh rừng ngập mặn không chỉ trông chờ vào việc đánh bắt hải sản mà còn mở ra các tour, tuyến du lịch thu hút du khách gần xa đến trải nhiệm, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn theo hướng thân thiện với môi trường.

Và tôi biết, đây không chỉ là ước mong cháy bỏng của riêng anh Trưởng - một người tâm huyết, gắn bó với công cuộc hồi sinh, phát triển rừng ngập mặn, mà còn là mong muốn của anh Kiên, anh Thắng và đông đảo bà con xã đảo Đồng Rui. Lắng nghe tiếng rừng, có cả triệu tiếng lao xao đồng tình của rừng ngập mặn Đồng Rui về những ước mong lớn ấy.

Bài và ảnh: Phạm Hoạch (Yên Thanh, Uông Bí, Quảng Ninh)