“Cởi” nút thắt trong tích tụ ruộng đất: Bài 1: Nhận diện những điểm vướng
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 11:06, 25/10/2021
Khắc phục nhiều hạn chế sử dụng đất nông nghiệp
Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, hệ thống pháp luật về đất đai từng bước được hoàn thiện,đã có những cải cách, đổi mới, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai và thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai; khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, từng bước mở rộng các quyền của người sử dụng đất.
Cụ thể, các chính sách về đất đai thời gian gần đây đã khắc phục được nhiều hạn chế của việc sử dụng đất nông nghiệp như: Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, trong đó, kể cả diện tích vượt hạn mức giao đất; cho phép chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Những thay đổi này đã tạo điều kiện thúc đẩy người sử dụng đất mở rộng sản xuất, khuyến khích nông dân gắn bó, yên tâm đầu tư lâu dài vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Các quyền của người sử dụng đất được mở rộng, được Nhà nước bảo đảm thực hiện tạo điều kiện để người sử dụng đất gắn bó hơn với đất đai, người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, trong đó, có nhiều nội dung được đưa vào dự thảo như: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê.. và thế chấp quyền sử dụng đất của người sử dụng đất nông nghiệp; thời hạn sử dụng đất nông nghiệp theo hướng được nâng lên; hạn mức sử dụng đất nông nghiệp được mở rộng... Đây được coi là “chìa khóa” quan trọng để thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Nút thắt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, pháp luật về đất đai còn có một số hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển bền vững thị trường quyền sử dụng đất nói riêng, thị trường bất động sản nói chung, để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai thuận lợi, khả thi hơn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy, tích tụ, tập trung đất nông nghiệp còn diễn ra chậm, làmột trong những nút thắt của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Những vướng mắc về cơ chế, chính sách cản trở phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn và thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục được tháo gỡ.
Các chính sách về đất nông nghiệp vẫn còn bị bó hẹp bởi chưa có cơ chế thúc đẩy hoạt động thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp mà ở đó cho phép người có nhu cầu có thể nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp dễ dàng hơn theo cơ chế thị trường.
Việc quy định hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa, nếu không trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu rừng đó dẫn đến chưa khuyến khích quá trình tích tụ, tập trung đất đai của hộ sản xuất hàng hóa lớn.
Ruộng đất được phân chia cho hộ gia đình nên phân tán, manh mún đang cản trở việc ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có khả năng và muốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gặp rất nhiều khó khăn. Những cản trở đó đang đòi hỏi phải có những đổi mới về thể chế, chính sách để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với quy hoạch và điều kiện của từng vùng, địa phương, đặc điểm của từng sản phẩm và nhu cầu thị trường.
Về quy định cấm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân tại khoản 5 Điều 12 Luật Đất đai quy định cấm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân.
Tuy nhiên, hiện nay, chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường đã được khẳng định trong nhiều Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Quy định trên chưa tạo ra cơ chế bảo vệ người sử dụng đất, khi bị thu hồi đất thì không được bồi thường phần vượt hạn mức. Đồng thời, chưa có cơ chế bảo vệ thỏa đáng đối với người nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức, chưa khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai.
Về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 130 Luật Đất đai). Thực tế hiện nay, nhiều dự án nông nghiệp có nhu cầu sử dụng diện tích đất canh tác trên quy mô lớn để mở rộng sản xuất, thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Song, việc quy địnhvề hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Điều 130 Luật Đất đai còn thấp (không quá 10 lần hạn mức được giao), chưa đáp ứng yêu cầu cho sản xuất lớn, không áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; không khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; khó khăn cho mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn.
Bài 2: Tập trung giải pháp "cởi trói" cho nông nghiệp