Bình Định: Nhọc nhằn nghề trồng hoa cúc
Xã hội - Ngày đăng : 17:25, 24/10/2021
Thăng trầm nghề trồng cúc
Chúng tôi dạo quanh những khu vườn trồng hoa cúc ở phía Bắc sông Hà Thanh tại phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn vào những ngày giữa tháng 10. Mùa cúc năm nay chỉ còn khoảng 10 hộ đang trồng cúc để kịp có hoa bán Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022.
Vườn cúc đang giai đoạn chăm cây |
Tại các khu đất không còn trống, các hộ trồng cúc phải dời qua gần Khu đô thị Đại Phú Gia, tận dụng những khoảnh đất trống để đặt chậu cúc cũng như tạo không gian cho cây cúc sinh trưởng, phát triển, nở hoa đúng dịp Tết. Trong các khu vườn cúc, những người thợ đang say sưa cắm cây cho các chậu cúc để tạo thế và dáng cho cây cúc đứng thẳng hoặc bung tròn xung quanh chậu theo ý muốn của chủ vườn.
Nhà vườn chăm sóc cúc |
Ông Nguyễn Văn (43 tuổi) ở phường Thị Nại, TP. Quy Nhơn kể: Tôi làm nghề chăm sóc cây cúc 4 năm. Mỗi vụ hoa, các chủ vườn thuê tôi cắm cây, tạo dáng 3 lần vào tháng 10, tháng 11 và tháng Chạp âm lịch. Do quen việc, năng suất cắm hoa, tạo dáng, thế cho cây của tôi chuẩn, đẹp, nhanh nên mỗi ngày tôi cắm khoảng 50-80 chậu, chủ vườn lo ăn và lương 250 nghìn đồng/ngày.
Theo lời ông Nguyễn Văn chia sẻ thì nghề trồng cúc bán Tết vất vả và mất rất nhiều công sức đầu tư. Từ ngày xuống giống đến lúc có một chậu hoa cúc bán phải mất 6 tháng trời ròng rã. Để chuẩn bị cho một vụ hoa Tết, khoảng tháng 6-7 làm đất và tháng 8 bắt đầu xuống giống. Vào các ngày 15-20 tháng Chạp là thời điểm hoa sẽ được đưa ra thị trường cung cấp cho người tiêu dùng.
Giai đoạn bón phân cho cúc |
Theo các nhà vườn, cách đây 2-3 năm, thị trường hoa cúc tiêu thụ mạnh. Nguyên nhân người dân tiết kiệm chi tiêu vào dịp Tết nên không mua những loại hoa đắt tiền. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các chủ vườn, người trồng hoa không đầu tư trồng cúc với số lượng nhiều mà phải cắt giảm lượng xuống giống để không rơi vào cảnh thua lỗ do dịch bệnh gây ra.
Những người thợ đang cắm thân cúc giữ dáng và thế |
Ông Huỳnh Tấn Lễ (35 tuổi) ở phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn cho biết: Năm nay, trồng hoa cúc gặp nhiều khó khăn. Nhiều người tìm nghề khác để sống. Thời tiết diễn biến bất thường và giá nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ trồng hoa tăng rất cao. Một thiên cây giống giá 230 nghìn đồng, cao hơn mọi năm 40-50 nghìn đồng. Chưa kể phân bón cũng tăng gấp đôi. Điều chúng tôi lo lắng nhất là dịch COVID-19 khó khăn về đầu ra. Do vậy, tôi và nhiều hộ dân trồng hoa cúc tại địa phương đã giảm số lượng xuống giống năm nay khá nhiều. Mọi năm, tôi trồng cả 1.000 chậu thì nay chỉ còn 400 chậu hoa cúc đủ loại cúc như đại đóa, pha lê, kim cương, mâm xôi.
Niềm hy vong vượt qua mùa dịch
Xưa nay các chủ vườn sản xuất theo kiểu “lấy công nhà làm lời", hạn chế thuê mướn nhân công để tiết kiệm tối đa chi phí. Hiện các hộ tập trung toàn lực để chăm sóc tốt cho hoa vì muốn có đầu ra sản phẩm tốt, trước hết cần có những chậu hoa đẹp, nở đúng Tết.
Cũng theo các nhà vườn, vụ hoa cúc Tết năm nay chưa thể nói trước được điều gì vì sắp vào mùa mưa lũ. Các nhà vườn luôn túc trực trong vườn chăm sóc, giăng đèn cho cây cúc. Chỉ cần ngập úng hay gió quật ngã chậu sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ là bị khách hàng chê và khó bán.
Chong đèn chăm cúc vào ban đêm |
Ông Phan Mạnh Quỳnh (51 tuổi) phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn chia sẻ: Nghề trồng hoa cúc vất vả lắm. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch mất 6 tháng ròng rã, vất vả chăm sóc hoa như “con mọn”. Trồng hoa cúc không có lãi nhiều như mọi người nghĩ. Những năm được mùa, giá bán ổn định từ 200- 400 nghìn đồng/chậu trung, 700 - 900 nghìn đồng/chậu lớn, cao hơn 1 triệu đồng chậu đại thì tôi chỉ lãi từ 50-200 nghìn đồng/chậu (tùy loại). Tính toán thu chi chỉ đủ công bỏ ra mà thôi.
Chăm cúc cả ngày lẫn đêm |
Ông Phan Mạnh Quỳnh có thâm niên hơn 20 năm trồng hoa cúc ở phía Bắc sông Hà Thanh lo lắng giá hoa năm nay khó tăng cao khi chi phí đầu tư tăng lên từ 30-40%. Do đó, các chủ vườn tính kế hoạch “buôn tận gốc, bán tận ngọn”. Nhiều người xem nghề trồng hoa là công việc mưu sinh nên dù khó khăn cũng không buông bỏ, cố gắng bám trụ với nghề theo năm tháng.
Ông Phan Mạnh Quỳnh chia sẻ thêm niềm vui khi nghe tin, toàn tỉnh Bình Định gỡ bỏ giãn cách, trở lại trạng thái bình thuờng mới trong tình hình dịch COVID-19. Bởi những tháng qua, họ lo sợ giãn cách kéo dài, đời sống người dân càng khó khăn thì việc sắm chậu hoa cúc chưng ngày Tết là điều xa xỉ. Khi Bình Định đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới đã gieo vào lòng người trồng cúc niềm hy vọng được mùa hoa cúc Tết Nhâm Dần.
Cúc năm nay đủ loại gồm đại đóa, pha lê, kim cương, mâm xôi. |
BOX: Cây hoa cúc trải qua nhiều giai đoạn phát triển, quan trọng là giai đoạn bước ngoặt, cần chế độ chăm sóc hợp lý. Từ khi trồng đến một tuần tuổi là bắt đầu vô nước, vô phân chăm sóc; 20 ngày tuổi bấm ngọn, chong đèn. Thời gian chong đèn kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Việc thắp đèn nhằm giúp cây phát triển nhanh, hướng thẳng. Trung tuần tháng 11 âm lịch, cúc đơm nụ, các nhà vườn dặm cây con, cắm cọc tre sửa cây để chậu cúc đầy đặn, chỉnh sửa hoàn thiện, tưới nước, vô phân đầy đủ để cây phát triển và nở hoa đúng Tết. Ai cũng mong muốn cho ra chậu hoa cúc nở đẹp, đáp ứng nhu cầu của người chơi. Đó là niềm vui lớn nhất của người trồng hoa.