Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi là niềm tự hào của Quân đội và Nhân dân ta
Xã hội - Ngày đăng : 14:52, 23/10/2021
Đại tướng Phan Văn Giang, Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội tham quan khu trưng bày sách về Đường Hồ Chí Minh trên biển |
Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội gửi lẵng hoa chúc mừng.
Dự Lễ Kỷ niệm có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Đặc biệt, dự Lễ Kỷ niệm có các đại biểu là cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các tổng cục; lãnh đạo một số tỉnh có căn cứ, bến bãi mà tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đi qua; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm |
Trình bày diễn văn khai mạc, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ: Nhận rõ yêu cầu cấp bách phải kịp thời chi viện nhân lực, vật lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho đồng bào, chiến sĩ và chiến trường miền Nam, sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải quân sự đường biển. Sự ra đời của Đoàn 759, cùng với việc khai thông tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam trên biển là sự kiện có ý nghĩa quan trọng chiến lược.
Từ đây, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các lực lượng chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Ngày 23/10-/961 đã đánh dấu mốc mở đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện cho miền Nam - con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đồng thời đây cũng được lấy là ngày truyền thống của Đoàn 759, sau này là đoàn 125 và Lữ đoàn 125 Hải quân anh hùng.
Di tích bến tàu không số K15 ngày nay |
Do vị trí chiến lược quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển, đế quốc Mỹ đã dùng mọi âm mưu thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, với các loại vũ khí thiết bị hiện đại nhất để đánh phá, hòng hủy diệt, ngăn chặn, cắt đứt đường tiếp viện của ta trên biển. Mặc dù vậy, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số”, với những con tàu thô sơ, chở nặng vũ khí đã bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn gian khổ, sóng to, gió lớn của biển cả cùng sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của quân thù, để đi đến các chiến trường.
Vì vậy, mỗi chuyến đi là mỗi lần quyết tử, chấp nhận hy sinh, nhiều khi phải phá hủy cả con tàu để bảo vệ bí mật đường vận chuyển. Địch ngăn chặn tuyến này, bến này, ta mở ra tuyến khác, bến khác. Địch phát hiện ra cách vận chuyển này, ta tìm ra phương thức vận chuyển khác. Với cách thức vận chuyển như vậy, hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, về đích; hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ đã từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến lớn, đáp ứng kịp thời cho các chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Khu 5, góp phần cùng quân và dân ta đánh thắng mọi chiến lược chiến tranh của địch, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
"Đường Hồ Chí Minh trên biển đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX như một thiên anh hùng ca bất tử, một chiến công chói lọi trên mặt trận chi viện chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời, thể hiện nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh". - Đại tướng Phan Văn Giang.
Năm tháng sẽ đi qua, nhưng Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của Quân đội ta, nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Con đường vận tải bí mật, bất ngờ, hiệu quả, có khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường xa, là một quyết sách đúng đắn, sáng tạo, độc đáo, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm anh hùng của ông cha ta trong thời đại mới.
Sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những chiến công của lực lượng Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chứng minh về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo mà nòng cốt là lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững thịnh vượng, an ninh, an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Phải tham gia xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng vùng biển và ven biển thực sự vững mạnh. Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý, bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Đồng thời, phát triển kinh tế gắn liền với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên các vùng biển, đảo. Có chính sách thu hút, khuyến khích nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, bảo đảm vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm xây dựng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lực địa của Tổ quốc vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, trọng tâm là chi bộ và vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo. Tích cực, chủ động phòng, tránh khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ nhân dân làm ăn trên các vùng biển và ổn định đời sống nhân dân trên các đảo...
Khẳng định ý nghĩa của sự kiện 60 năm Lễ Kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Đại tướng Phan Văn Giang bày tỏ: "Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển là dịp để chúng ta ôn lại, tự hào và phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực để cán bộ, chiến sĩ quân đội tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xứng đáng với vai trò nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".