Chiến lược mới phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:11, 11/10/2021
Bộ TN&MT vừa có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và các tỉnh ĐBSCL đề nghị chủ động tiếp cận chiến lược mới về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và đề xuất bổ sung nội dung mới hoặc còn thiếu vào Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan nêu tại Nghị quyết số 120/NQ-CP trong năm 2021.
Từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội cho các địa phương vùng ĐBSCL trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19.
ĐBSCL chiếm 20% dân số cả nước, đóng góp 18% cho GDP quốc gia nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, định hướng phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững vùng đất anh hùng, giàu tiềm năng và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước.
Từ đó đã góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà, nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới, gỡ nút thắt về chính sách đất đai tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư. Đồng thời chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên.
Ảnh minh họa |
Bàn về phát triển ĐBSCL trong lĩnh vực nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, PGS.TS Nguyễn Lý Bình - Trường Đại học Cần Thơ đề xuất, cần hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển nông nghiệp: Vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước mặn…;
Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm: Thủy sản – cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng kinh tế. Song song đó, cần triển khai các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác cây ăn quả, nuôi bò sữa hoặc lúa – cá kết hợp…; Đào tạo, tập huấn nông dân thành “công nhân công nghiệp”, làm chủ được công nghệ trong canh tác nông nghiệp.
Theo GS Ishimatsu Atsushi (Cố vấn học thuật của Dự án JICA), để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, cần có các giải pháp “thuận thiên, thuận nhân” thì mới mang tính bền vững.
Cụ thể, cần đánh giá chi tiết các thay đổi do biến đổi khí hậu trong tương lai, qua đó đề xuất các mô hình phù hợp với điều kiện thay đổi cụ thể; đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và tác động môi trường của các mô hình sử dụng đất đai.
Từ đó, người dân được cung cấp các thông tin hữu ích trong việc lập kế hoạch sản xuất, đầu tư, kinh doanh ở các tiểu vùng kinh tế. Ngoài ra, ở tầm vĩ mô, cần có các chính sách theo kịp những thay đổi của biến đổi khí hậu và công nghệ 4.0 trong nông nghiệp để đưa ra các giải pháp hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất…