Quảng Bình: Nhiều sai phạm trong quản lý đất rừng tại Lâm trường Vĩnh Long

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 21:01, 21/10/2021

(TN&MT) - Để cán bộ, công nhân lao động và hộ dân trồng xen cây keo vào rừng thông nhựa khi chưa có chủ trương với diện tích hơn 82 ha; Các tổ chức, cá nhân trồng rừng nguyên liệu với diện tích hơn 210 ha nhưng không có hồ sơ giao khoán, …Đó là những sai phạm trong việc quản lý đất đai, quản lý tài nguyên rừng của Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại).

Tại Thông báo số 300/TB-CT ngày 22/8/2020 của Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại, Kết luận hội nghị xử lý kết quả rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long quản lý nêu rõ các sai phạm trên.

Nhiều sai phạm trong quản lý đất rừng của Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long.

Cụ thể, trong quản lý Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long đã để cán bộ, công nhân lao động và hộ dân trồng xen cây keo vào rừng thông nhựa khi chưa có chủ trương của Công ty, diện tích trồng xen 82,84 ha, trong đó 73,22 ha không có hồ sơ và 9,62 ha có hồ sơ nhưng giao khoán trên đất rừng thông nhựa.

Để các tổ chức, cá nhân trồng rừng nguyên liệu trên đất Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long quản lý với diện tích 210,73 ha nhưng không có hồ sơ giao khoán; Diện tích các hộ nhận khoán thực tế đang sử dụng vượt 147,6 ha so với hồ sơ giao khoán, nhưng Chi nhánh không rà soát đo đạc lại để xử lý kịp thời. Có 28 hộ hết thời hạn giao khoán theo hợp đồng (hết hạn từ năm 2017,2019,2020) nhưng Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long chưa rà soát hồ sơ để xử lý theo quy định.

Người dân lấn chiếm đất rừng.

Ngoài ra, Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long đã giao khoán cho 14 hộ, với diện tích 16,29 ha đất mà Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại đã bóc về cho địa phương. Để người dân lấn chiếm xây dựng xây cất lăng mộ, bao gồm đã chôn cất và xây bờ bao chưa chôn cất tại 21 vị trí với diện tích 1,32 ha đất sản xuất.

Tại Thông báo kết luận này cũng nêu rõ thời gian thực hiện chậm nhất đến ngày 15/12/2020. Tuy nhiên, cho đến nay những sai phạm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Làm việc với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lương Sỹ Trình, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại, thừa nhận những sai phạm nêu trên đã tồn tại từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Theo lý giải của ông Lương Sỹ Trình việc chậm giải quyết là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, và do quá trình phải kiểm tra, rà soát lại mất nhiều thời gian. Việc cán bộ, công nhân lao động và hộ dân trồng xen cây keo vào rừng thông nhựa khi chưa có chủ trương của Công ty do trước đây mặt độ thông nhựa dày nhưng do mưa bão bị gãy đổ, bầy giờ thưa nên các hộ đã trồng xen vào tránh lãng phí đất.

“Khi anh mới lên tiếp nhận, anh đã có chủ trương và chỉ đạo rà soát lại hiện trạng đất đai và chỉnh đốn lại việc quản lý, sử dụng đất một số đơn vị trực thuộc. Trong đó có Chi nhanh Lâm trường Vĩnh Long thì đã tồn tại từ mấy đời giám đốc trước rồi. Quá trình rà soát mình phát hiện khi giao khoán cho các hộ dân họ trồng lấn nhiều hơn so với thực tế. phải thực hiện đo từng hộ rồi về yêu cầu họ ký vào, để làm lại hồ sơ để họ chấm nhận có lấn chiếm đất. Đây đều là các trường hợp người dân tham gia lao động cho mình cả, nhận giao khoán chứ không phải người ngoài. Hiện, phần rà soát văn bản ký xác nhận cơ bản đã gần xong rồi, đã thu tiền thuế đất cơ bản hoàn thành”, ông Lương Sỹ Trình cho hay.

Đối với việc người dân lấn chiếm đất rừng xây lăng mồ mả, ông Trình cho biết đã thực phối hợp với UBND xã Nghĩ Ninh (TP. Đồng Hới) tháo gỡ, còn một số trường hợp sắp tới sẽ xử lý. Về lâu dài phối hợp với chính quyền địa phương, xem xét vị trí đất phù hợp để xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa cho người dân có nơi chôn cất, mai táng. UBND tỉnh chưa có quy hoạch khu vực nghĩa trang, nghĩa địa nên người dân họ không có đất để chôn cất nên lên lấn chiếm đất rừng rất phức tạp.

Sự việc này đã diễn ra từ nhiều năm nhưng đến nay cơ quan quản lý vẫn chưa thể xứ lý.

Trao đổi với PV về việc người dân lấn chiếm đất rừng, ông Đào Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới, cho biết: “Việc người dân lấn chiếm đất xây dựng mồ mả đã diễn ra từ lâu, một trong những vấn đề bất cập của địa phương. Có cái đã xây dựng từ trước 2004, nhưng cũng có những cái sau này mới phát sinh, nhiều cái lấn chiếm xây khuôn viên trong khu vực rừng thông, keo tràm. Về tính hợp pháp đối với những cái này là chưa. Nhiều trường hợp được nhà nước giao đất để trồng rừng nhưng tự ý phân lô bán qua tay với nhau không thông qua chính quyền địa phương, khi rà soát kiểm tra thì một số hộ có giấy viết tay, một số hộ không có. Người dân lợi dụng khu vực vùng ven địa giới hành chính đất giữa xã và lâm trường để lấn chiếm vào các ngày lễ, ngày thứ 7, chủ nhật…cán bộ thì mỏng”.

Cũng theo ông Tuấn việc người dân lấn chiếm đất để xây lăng mồ mả là do hiện nay địa phương không có khu vực quy hoạch nghĩa địa để mai táng, chôn cắt. Xã đang lập quy hoạch, phối hợp với các đơn vị để xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa cho nhân dân địa phương.

Những sai phạm trong quản lý đất rừng thuộc Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long đã diễn ra trong nhiều năm những đến nay cơ quan quản lý đang loay hoay tìm giải pháp.

Hồng Thiệu - Nguyễn Giang