Bến Tre: Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:43, 21/10/2021
Đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, nồng độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông từ 60 - 70km và nồng độ mặn 1‰ xâm nhập gần như bao trùm trên phạm vi cả tỉnh. Cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, tỉnh Bến Tre tiếp tục hứng chịu đợt hạn mặn nghiêm trọng, kéo dài và rộng khắp toàn tỉnh. UBND tỉnh Bến Tre đã lập tức ban hành Quyết định về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
Xâm nhập mặn, nước biển dâng cao kết hợp gió mùa làm gia tăng cường độ sóng biển và kết cấu đất yếu, cao độ địa hình ven sông, ven biển thấp đã gây nên tình trạng sạt lở đất. Qua thống kê, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 92 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 120km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân, và có gần 2.000 công trình bị ảnh hưởng, trong đó 460 công trình nằm trong vùng rủi ro sạt lở ở mức độ nguy hiểm.
Bến Tre xây dựng nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt. |
Ông Trịnh Minh Khôi - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết, hiện tại, cơ sở hạ tầng của Bến Tre vẫn còn hạn chế, nhất là nhà ở nhân dân vùng nông thôn, khu vực ven sông, ven biển; hệ thống công trình thủy lợi chưa khép kín, các tuyến đê biển chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nên chưa chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt; năng lực thích ứng của vật nuôi, cây trồng chưa cao trước tác động xâm nhập mặn; gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển do triều cường, nước dâng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Trước tình hình trên, tỉnh Bến Tre đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp để chủ động ứng phó nhằm góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: truyền thông, nâng cao nhận thức; thông tin, cảnh báo thiên tai; hỗ trợ sinh kế, nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH cho nông dân; quản lý tổng hợp tài nguyên nước thích ứng với BĐKH.
Những năm qua, tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng 47 công trình, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu, ngăn mặn và triều cường, trữ ngọt, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh. Đồng thời, các công trình ứng phó nước biển dâng, bảo vệ vùng bờ ven biển cũng đã được địa phương tập trung triển khai xây dựng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, thách thức lớn nhất trong thích ứng BĐKH của tỉnh Bến Tre thời gian tới liên quan đến diễn biến thất thường của nguồn nước sông Mê Công, xâm nhập mặn tác động đến quản lý nguồn nước của Bến Tre cho đến khi tỉnh hoàn thành hệ thống thủy lợi, cấp nước chủ động cho sinh hoạt, sản xuất.
Bờ biển Bến Tre ngày càng bị xâm thực nặng nề. |
Để giải quyết vấn đề này, giai đoạn tới, tỉnh Bến Tre xác định 101 nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án, hoạt động trọng tâm cụ thể nhằm đạt được 9 mục tiêu đã đề ra. Trong đó, chú trọng một số mục tiêu điển hình: tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và BĐKH; đẩy mạnh và phát huy hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BĐKH và thúc đẩy việc lồng ghép ứng phó với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức, tăng cường năng lực về phòng chống thiên tai, sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu; tăng cường phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ và tài chính cho ứng phó với BĐKH...