Cử tri và nhân dân bức xúc về tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc, vật tư y tế giả
Trong nước - Ngày đăng : 14:32, 20/10/2021
Thay mặt đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo tại Quốc hội |
Về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cử tri và Nhân dân đánh giá cao ý kiến phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội nghị toàn quốc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nghị toàn quốc các cơ quan khối Nội chính, đó là những chỉ đạo rất quan trọng, thực sự đổi mới để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
Cử tri và nhân dân rất vui mừng về thành công của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4. Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra các quyết sách rất quan trọng về tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quyết sách về phòng, chống, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh kết quả to lớn đã đạt được, cử tri và nhân dân cho rằng, công tác phòng, chống dịch còn một số hạn chế, bất cập, như:
Công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, thiếu đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất. Còn hạn chế trong phân tích tình hình để triển khai có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó, có một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống y tế cơ sở và năng lực quản lý của các cấp bộc lộ nhiều điểm yếu; hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vắc-xin,... đều phải nhập khẩu nên chưa kịp thời, bị động, chi phí cao.
Một số nơi còn xảy ra tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hoá, di chuyển của người dân. Sau khi "nới lỏng" các biện pháp giãn cách xã hội, một lượng lớn người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch trở về quê tự phát, tiềm ẩn rủi ro và lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Công tác truyền thông có thời điểm còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời, nhất là trong thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4; ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2021, cử tri và nhân dân ghi nhận nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; cùng với sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trên các lĩnh vực theo Nghị quyết của Quốc hội, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn; thu ngân sách có thể vượt kế hoạch, nông nghiệp đạt kết quả tích cực, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng…
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân còn lo lắng bởi GDP 9 tháng năm 2021 không đạt kế hoạch; việc giải ngân vốn đầu tư công chậm; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng năm 2021 đạt thấp so với Nghị quyết của Quốc hội.
Về các vấn đề xã hội, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp về cung ứng hàng hóa, lao động, việc làm, gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, được cử tri và nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá cao.
Cử tri và nhân dân phản ánh, còn nhiều đối tượng khó khăn chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm; việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; nhiều nơi nông dân gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng chưa được hỗ trợ; vẫn còn tình trạng trục lợi trong thực hiện an sinh xã hội, gây khó khăn, bức xúc cho người dân.
Việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em, người yếu thế trong xã hội.
Cử tri và nhân dân lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các em học sinh.
Cử tri và nhân dân rất bức xúc trước các thông tin xấu độc, sai sự thật; tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc, vật tư y tế giả; chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...gia tăng, diễn biến phức tạp.
Về thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, cử tri và nhân dân hoan nghênh Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo kịp thời việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là về giáo dục, y tế đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; rất vui mừng, phấn khởi việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Cùng với niềm vui mừng, phấn khởi, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn về việc các chương trình triển khai chậm, khả năng không hoàn thành giải ngân theo kế hoạch năm 2021 đã được Quốc hội phê duyệt.
Cử tri và nhân dân ghi nhận Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, mong muốn cơ quan có thẩm quyền có giải pháp cụ thể để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân.
Người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá cao Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; hoan nghênh các cơ quan ngoại giao đã luôn quan tâm, hỗ trợ để kiều bào ổn định cuộc sống, giảm thiểu tác động xấu của đại dịch COVID-19; mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết các kiến nghị của kiều bào về quốc tịch.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, ngoài những nhóm nội dung chủ yếu nêu trên, cử tri và Nhân dân còn có hàng trăm ý kiến, kiến nghị cụ thể liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành về lĩnh vực đất đai, môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, kế hoạch, đầu tư, tài chính, giao thông, nông nghiệp, nông thôn, công thương, xây dựng, nội vụ, giáo dục, y tế, lao động, thương binh và xã hội… Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp, chuyển đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết để trả lời cử tri và nhân dân theo quy định của pháp luật.