Thi hành Luật Đất đai ở Hậu Giang: Minh bạch, bình đẳng trong quản lý, sử dụng đất

Đất đai - Ngày đăng : 10:58, 19/10/2021

(TN&MT) - Những đổi mới mạnh mẽ và tích cực trong các quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã giúp tiết giảm thời gian, tiền của cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Tác động tích cực đến các lĩnh vực

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, qua hơn 7 năm triển khai thi hành những quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã tạo nên nhiều đổi mới quan trọng, trong đó trọng tâm nhất là hoàn chỉnh các công cụ pháp lý, quy hoạch, tài chính và hành chính liên quan đến đất đai; đồng thời hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cũng đã tác động tích cực vào việc sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng đất đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường tại tỉnh Hậu Giang.

Cùng với đó, các chính sách, pháp luật về đất đai đã tạo được nhiều việc làm, ổn định đời sống cho người dân thông qua sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; chuyển quỹ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp; chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Nhà nước thu hồi đất đã tạo điều kiện ổn định đời sống của nông dân thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi ngành nghề, giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Không chỉ thế, Luật Đất đai năm 2013 quy định theo hướng mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đã đáp ứng được yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn và việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trong thời gian qua phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, tạo bước đi hợp lý cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Song song với đó, các quy định pháp luật về đất đai liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đã giúp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang từng bước được nâng cao, làm thay đổi bộ mặt đô thị, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, bảo đảm an ninh trật tự xã hội; đồng thời, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được đảm bảo thông qua các chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện các quy định về công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất.

Những đổi mới trong Luật Đất đai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang

Cần sửa đổi, thống nhất giữa các quy định về đất đai

Cũng theo UBND tỉnh Hậu Giang, từ thực tiễn triển khai các quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, sự thiếu nhất quán giữa nội dung Luật và văn bản hướng dẫn thi hành.

Đơn cử, Điều 105 Luật Đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định, UBND tỉnh được ủy quyền cho Sở TN&MT, không quy định được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, tại Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai lại quy định được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân nước ngoài.

Bên cạnh đó, Điều 114 Luật Đất đai năm 2013 không quy định giá đất cụ thể để tính giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng Điều 15 Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất lại quy định giá đất cụ thể làm căn cứ để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Cùng với đó, các quy định của pháp luật đất đai về việc tổng hợp danh mục dự án cần thu hồi để trình HĐND tỉnh thông qua đồng thời với quyết định mức vốn ngân sách Nhà nước cấp cho bồi thường giải phóng mặt bằng đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Bởi lẽ, trong thực tế việc xác định mức vốn ngân sách cấp cho bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án thường không chính xác khi chỉ tạm tính số tiền giải phóng mặt bằng, có dự án mới chỉ có chủ trương đầu tư chưa có số liệu cụ thể.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị đến các Bộ, ngành chức năng trong thời gian tới xem xét bổ sung, sửa đổi tạo sự nhất quán giữa các quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc triển khai thi hành các quy định pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang phát triển.

Thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2014 đến tháng 12/2020, tỉnh Hậu Giang đã giao 303,32ha đất cho các tổ chức để thực hiện 121 dự án, công trình; cho nhà đầu tư tại 119 dự án, công trình thuê 1.833,46ha đất và chuyển mục đích sử dụng đất tại 99 dự án, công trình với diện tích 3.045,04ha; đồng thời, đã tổ chức giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất với tổng diện tích 33,03ha.

Lê Hùng