Loại bỏ tư duy chủ quan
Xã hội - Ngày đăng : 08:25, 19/10/2021
Phó Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Trong khi đó, công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế về dự báo, cảnh báo, nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật và khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai… Trong khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đang đặt ra yêu cầu ứng phó rủi ro thiên tai cùng thời điểm xảy ra dịch.
Thực tiễn bao đời nay, khô khát, hạn mặn, lũ lụt… các hiện tượng thời tiết cực đoan đều có điểm chung là hậu quả tàn khốc, không thể lường trước về quy mô, mức độ và ngày càng thoát khỏi quy luật xưa nay. Bão qua, xót xa để lại, con số người chết và những thiệt hại về kinh tế khiến chúng ta không khỏi giật mình ám ảnh.
Mặc dù, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai và luôn coi đó là việc phải làm thường xuyên, được pháp luật quy định. Điều này được thể hiện cụ thể trong Luật Phòng, chống thiên tai, từ Điều 34 đến Điều 37 đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân. Hộ gia đình, cá nhân phải có nghĩa vụ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai cho bản thân và gia đình; chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền; tham gia hỗ trợ cộng đồng…
Thiên tai ngày càng khốc liệt hơn. Ảnh: Reuters |
Quy định đã rõ, thế nhưng không ít cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp vẫn chủ quan, vô tình hay cố ý vi phạm pháp luật. Không ít hộ gia đình xây dựng, làm nhà trên hành lang thoát lũ, nơi có nguy cơ sạt lở đất, không chấp hành, hoặc coi thường yêu cầu di dời của cơ quan chức năng. Có những doanh nghiệp vì lợi nhuận, coi thường kỷ cương mà đổ bùn thải, chất thải quá tải, gây nguy cơ mất an toàn cho người dân. Chúng ta lo xây dựng, phát triển kinh tế, mỗi năm trôi qua đều phải dồn mọi tâm trí với nỗi lo canh cánh "sợ" chỉ tiêu tăng trưởng không đạt kế hoạch. Nhưng khi mục tiêu đó gần như cận kề trong tầm tay thì thiên tai và nhân tai cùng xuất hiện và lấy đi gần như mọi thứ chắt chiu tích lũy được. Thiệt hại lớn đâu chỉ là sự mất mát của cải vật chất mà là tính mạng của con người.
Đã đến lúc cần đặt lại vấn đề lo phòng chống thiên tai và nhân tai là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng tiềm lực quốc gia một cách căn cơ nhất, bền lâu nhất. Nói vậy, không có nghĩa bấy lâu nay chúng ta không quan tâm, không lo toan mà là chưa đặt ra và tập trung đúng mức với tầm vóc, yêu cầu quan trọng của vấn đề. Nghĩa là nó phải được tính toán toàn diện, kỹ lưỡng trong mỗi kế hoạch phát triển, cho cả lâu dài và trước mắt. Chứ không thể là sự nhắc nhở, cảnh báo qua mỗi lần có nguy cơ thiên tai xảy ra.
Mức độ rủi ro không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà cả nhận thức, năng lực và nỗ lực của chính quốc gia đó trong việc giảm thiểu và thích ứng với thiên tai. Và cần phải nhớ, con người cũng chỉ là một thành phần trong hệ sinh thái tự nhiên. Nếu vẫn tiếp tục áp đặt những tư duy hạn hẹp nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế bằng mọi giá, chúng ta sẽ còn phải trả giá. Bởi, thiên nhiên có những lý lẽ riêng, hoạt động theo những quy luật được tạo hóa lập trình. Thay đổi tự nhiên quá ngưỡng chịu đựng, bỏ qua những quy luật đó, nhân loại sẽ phải gánh chịu sự đáp trả khốc liệt của thiên tai.
Đó không còn là những cảnh báo xa xôi!