TÁI CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP Bài 2: Nền tảng căn cơ của một đề án cần nhất là ở chữ tâm và nghị lực

Kinh tế - Ngày đăng : 17:24, 18/10/2021

(TN&MT) - Sau khi tổng kết rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên xây dựng lại một hướng đi mới, lộ trình mới mà ở đó người dân là trung tâm. Mục tiêu đưa toàn bộ sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa có chất lượng cao của địa phương.

Những trăn trở của người đứng đầu…

Điểm mới trong các đề án lần này của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên là tập trung vào đối tượng sản xuất là người dân, tổ HTX, liên minh HTX nông nghiệp để tạo thành một chuỗi cung ứng, tiêu thụ, sản xuất các mặt hàng nông sản Điện Biên. Trong đó có sản phẩm lúa gạo đặc sản chất lượng cao, phát triển cây ăn quả trên đất dốc và phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đặc biệt chú trọng khâu chế biến, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản và một số chính sách đi kèm.

Theo vị “thuyền trưởng” ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, Giám đốc Bùi Minh Hải thì việc đầu tiên là phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng sản xuất đối với các mặt hàng chủ lực, có lợi thế trong sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp...) và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu để xây dựng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh đó là phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là hướng tới kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và phải thể hiện được cụ thể, chi tiết trong Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đặc biệt là trong các đề án cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt đó là (1) Đề án phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, (2) Đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc, (3) Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp; các đề án trên phải đúng định hướng theo Nghị quyết số 09... và sát với tình hình thực tiễn địa phương.

Người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh

Bên cạnh đó là việc phân tích đối tượng tham gia, yếu tố vùng miền và phong tục tập quán, dự báo tình hình xã hội và thị trường. Cùng với đó là đề ra một số tình huống, khả năng có thể xảy ra trong quá trình khiển khai đề án từ nhận thức người dân, sự thích nghi của cây trồng vật nuôi, khí hậu thời tiết và các yếu tố dịch bệnh đi kèm. Từ đó có cơ sở để xây dựng kịch bản, dự trù các tình huống xảy ra khi triển khai nhân rộng các mô hình.

Song song với việc áp dụng khoa học, kỹ thuật là các chính sách đi kèm để thu hút các doanh nghiệp, người dân tham gia HTX, tổ liên kết HTX dịch vụ, sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản tại Điện Biên.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên cũng thẳng thắn nhận định: Việc thành hay bại đều phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, song cơ bản nhất vẫn là chất lượng tuyên truyền xuống cho người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chính sách đi kèm và năng lực của cán bộ cùng với khát vọng làm giàu của người dân. Nếu người dân không có khát vọng làm giàu, không có ý trí vươn lên thì Đề án có hay đến đâu cũng chỉ là đề án giấy.

Điều chúng tôi băn khoăn nhất không phải là ở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu hay chính sách… hay đề án này đề án kia mà là ở lòng người. Nếu lòng dân đã thuận, có ý trí vươn lên, có khát vọng làm giàu, không ngại khó, ngại khổ, không trông chờ ỷ nại… thì mọi khó khăn trước mắt chỉ là một vật cản rất nhỏ trên đường đi đến đích. Chẳng có con đường hạnh phúc no ấm nào lại không lao tâm khổ tứ, không đổ mồ hôi. Quan trọng là người dân có thực sự muốn thoát nghèo. Muốn thay đổi nếp nghĩ, cách làm hay chỉ bằng lòng với hiện tại, ngày ngày đi làm thuê có tiền về ăn nhậu vài hôm hết lại đi làm thuê. Hoặc sống một cuộc sống như bao thế hệ ông cha từng sống; săn bắt, hái lượm săn thú, phá rừng, làm nương.

Cán bộ khuyến nông huyện Tuần Giáo hướng dẫn người dân cách cải tạo đất trồng cây cà phê

Làm thường trú tại Điện Biên gần 20 năm, tôi hiểu được những suy tư trăn trở của vị lãnh đạo ngành nông nghiệp là có cơ sở. So với mặt bằng nhận thức chung thì đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên, phần lớn họ đang rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Thực tế, rất nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp của người dân đã được cán bộ huyện, cán bộ dự án hướng dẫn thực hiện rất tốt như: Dự án trồng khoai tây trên đất nương lúa 1 vụ, đồi thoải, nương có bờ ở Mường Nhé. Dự án trồng măng, trồng tre, trồng rau sạch… lạc, ngô, đỗ… nuôi vịt nuôi ngan, trâu bò, dê, lợn… được triển khai suốt từ năm 2000 đến nay ở hầu hết các huyện thị của tỉnh Điện Biên. Nhưng khi cán bộ kỹ thuật rút về thì dự án cũng đi theo. Rất ít dự án còn duy trì được và phát triển thành một mô hình kinh tế điểm của địa phương.

Mặt khác, nhiều các cán bộ địa phương là chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã ở các huyện vùng sâu, vùng xa cũng thực sự sâu sát, am hiểu về nông nghiệp, canh tác nông nghiệp áp dụng khoa học, kỹ thuật để nâng chao chất lượng, sản lượng nông nghiệp mà chỉ đơn thuần làm công tác quản lý ở địa phương.

Đây là những nguyên nhân làm chậm lại sự phát triển của xã hội nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng.

… và rào cản đến từ phía địa phương

Trong một khảo sát nho nhỏ của PV Báo TN&MT tại các huyện, thị xã, TP. Điện Biên Phủ về vai trò của ngành nông nghiệp trong đời sống của người dân, hầu hết lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố của Điện Biên đều nêu rất rõ tầm quan trọng của ngành nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

Chính quyền cấp huyện, thị các địa phương đều ý thức được tầm quan trọng, vai trò của ngành kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, có những huyện xây dựng lộ trình, phát triển ngành nông nghiệp rất căn cơ, điển hình như: huyện Mường Ảng. Huyện Mường Chà và Điện Biên mới chỉ đang tập trung cho một số sản phẩm địa phương sẵn có, duy chỉ có mường Ảng là có kế hoạch rất căn cơ định hướng phát triển ngành nông nghiệp rất rõ ràng. Chính quyền cấp xã, thị trấn và người dân họ cũng đều rất “thạo việc”.

Các huyện thị còn lại mới chỉ dừng lại ý tưởng và manh nha một vài mô hình cá thể nhỏ lẻ, chưa lan tòa thành phòng trào lớn mạnh của địa phương. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc thiểu số còn e dè chưa mạnh dạn trong việc đầu tư, học hỏi để áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trong chăn nuôi, sản xuất để tăng năng xuất và tăng sản lượng, chất lượng của sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Lường Văn Tọ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, cho biết: Hầu hết các hộ dân rất ngại thay đổi phương thức canh tác cũ, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt còn rất hạn chế. Người dân là một trong những đối tượng tham gia trực tiếp, vào việc áp dụng khoa học kỹ thuật, vào sản xuất nông nghiệp. Song để nắm bắt vấn đề nhanh nhạy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tập chung chủ yếu là những hộ người Kinh ở miền xuôi lên đây sinh sống. Đồng bào các dân tộc ở địa phương rất ngại thay đổi và thay đổi thường không lớn, thay đổi nửa vời. Dẫn đến việc nhân rộng mô hình khó và không hiệu quả.

Người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Đơn cử như việc nuôi lợn thịt hay nhóm gia cầm… đối với các hộ có hiểu biết họ cho ăn đúng liều lượng, biết cách phòng chống bệnh, các biểu hiện của bệnh, biết lường trước những diễn biến của thời tiết để phòng bệnh cho vật nuôi. Nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người có được kinh nghiệm, kiến thức này dẫn đến việc chăn nuôi thường xuyên bị thua lỗ, vài ba lần sinh ra chán nản.

Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho người dân không mặn mà với việc mở rộng các mô hình chăn nuôi theo kiểu trang trại, quy mô mở rộng đàn. Và các hộ dân phần lớn tập trung vào những vật nuôi ở tại địa phương, theo phương thức truyền kinh nghiệm, mất rất nhiều công sức lao động mà hiệu quả không cao, ví dụ như: trâu, bò, dê… Tuy nhiên, số lượng đàn trong một bản, một xã, số lượng con trong một đàn cũng không nhiều. Mỗi hộ chỉ 5, 7 con.

Có thể nói, phương thức sản xuất của bà con vẫn mang đặc tính truyền thống và khá lạc hậu.

Còn đối với các doanh nghiệp trên Điện Biên đầu tư cho doanh nghiệp rất ít doanh nghiệp có nền tảng tốt về sản xuất và đòi hỏi phải trường vốn. Phần lớn chỉ mới qua giai đoạn thẩm định xong dự án, cấp phép đầu tư, triển khai được một thời gian thì tạm dừng hoặc bỏ cuộc. Những nguyên nhân này có cả phía từ chủ quan và khách quan. Song mấu chốt của vấn đề là đối tượng tham gia sản xuất nông nghiệp, đầu tư cho nông nghiệp không mặn mà. Kéo theo đó chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương nên không thu hút được nhiều thành phần tham gia sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Điện Biên.

Từ những khó khăn ấy, nhiệm kỳ này ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh 3 đề án phát triển ngành sản xuất nông nghiệp đánh vào những lợi thế của từng địa phương, tập quán canh tác của người dân. Hy vọng những đề án này sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của tỉnh phù hợp với nhu cầu, tập quán canh tác của người dân.

 

Trần Hương