Việt Nam – Lào trao đổi kinh nghiệm xây dựng Luật Đo đạc và bản đồ

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:20, 18/10/2021

(TN&MT) - Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào trong việc trao đổi kinh nghiệm công tác chuyên môn giữa các Ủy ban của Quốc hội, sáng 18/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào đồng chủ trì Hội thảo trực tuyến trao đổi kinh nghiệm xây dựng Luật Đo đạc và bản đồ.

Tham dự phía điểm cầu Quốc hội Việt Nam có: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng; các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực này.

Tham dự từ phía điểm cầu Quốc hội Lào có: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào Sanya Praseth; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào; Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lào; các đại biểu Quốc hội; các nhà nghiên cứu…

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào Sanya Praseth cho biết, trong bối cảnh Quốc hội Lào đang nghiên cứu, chuẩn bị cho việc xem xét, ban hành các luật như Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Biên giới quốc gia, vì vậy, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội Lào mong muốn tham khảo kinh nghiệm từ các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội Việt Nam để có thêm thông tin phục vụ ban hành 2 Luật trên.

“Tôi tưởng và hy vọng rằng những kinh nghiệm và bài học trong việc xây dựng và triển khai Luật Đo đạc và bản đồ của Việt Nam sẽ là kinh nghiệm hữu ích trong công tác xây dựng Luật Đo đạc và bản đồ của Lào, góp phần tích cực phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Lào. Đồng thời, hy vọng trong thời gian tới, hai nước sẽ tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả, cụ thể hơn nữa để đưa các hoạt động hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, qua đó, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.”- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào Sanya Praseth nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Hồ Hương)

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, hoạt động đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản, đặc biệt quan trọng, làm nền tảng để triển khai các nghiên cứu khoa học về trái đất, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, góp phần nâng cao dân trí. Sản phẩm đo đạc và bản đổ chủ yếu là thông tin, dữ liệu không gian địa lý cần thiết cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Ngày 14/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đo đạc và bản đồ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội Việt Nam xem xét, thông qua theo quy trình tại 2 Kỳ họp. Cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan được Chính phủ Việt Nam giao chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quá trình biên soạn, thẩm định, thẩm tra, xem xét trình Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và bản đồ luôn có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội với các Bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các chuyên gia, nhà khoa học.

Đây là Hội thảo hữu ích đối với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, cơ quan liên quan của hai nước Việt Nam – Lào, không chỉ là dịp để chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các đồng nghiệp ở Quốc hội Lào mà còn là cơ hội để các đại biểu Quốc hội Việt Nam, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhìn lại về Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 và việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này sau gần 3 năm có hiệu lực thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng tin tưởng, hai nước Việt Nam - Lào sẽ kiểm soát tốt và thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19 để tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới về phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân hai nước được trực tiếp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đầy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt – Lào.

Toàn cảnh cuộc Hội thảo tại điểm cầu Nhà Quốc hội (Ảnh: Hồ Hương)

Tại Hội thảo, sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào - đại diện Ban phụ trách chỉnh sửa nội dung Luật trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, các đại biểu từ điểm cầu Quốc hội Việt Nam đã tiến hành thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Luật Đo đạc và bản đồ của Việt Nam, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và trả lời, cung cấp thông tin liên quan đến những câu hỏi phía bạn quan tâm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Đo đạc và bản đồ của Việt Nam, Ủy ban đã kiến nghị chỉnh sửa nhiều nội dung cụ thể và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật của Chính phủ đã đồng thuận tiếp thu, chỉnh sửa. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, Luật Đo đạc và bản đồ đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Luật Đo đạc và bản đồ cơ bản đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quản lý và triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ; khắc phục những chồng chéo, lãng phí trong hoạt động đo đạc và bản đồ; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ ngành và phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương; tăng cường việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; khuyến khích hiện đại hóa trong hoạt động đo đạc và bản đồ; có cơ chế thúc đẩy chính sách xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ... Luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi góp phần nâng cao vai trò của hoạt động đo đạc và bản đồ trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn...

Tham gia thảo luận tại Hội thảo, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, ngay sau khi Luật Đo đạc và bản đồ được thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ trình Thủ trướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 12/4/2019. Đồng thời, Bộ đã ban hành Quyết định số 2174/QĐ-BTNMT ngày 26/8/2019 Kế hoạch thi hành Luật Đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, để triển khai thực thi Luật có hiệu quả Luật Đo đạc và bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản hướng dẫn, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ.

Cùng với đó, Bộ đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đo đạc và bản đồ, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đo đạc và bản đồ của các tổ chức hoạt động về đo đạc và bản đồ, làm tốt công tác cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; triển khai cụ thể các nhiệm vụ hoạt động đo đạc và bản đồ…

Trân trọng cảm ơn những kinh nghiệm quý báu của các đại biểu phía Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào Sanya Praseth đánh giá những chia sẻ hữu ích này có giá trị rất lớn cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Trên cơ sở những ý kiến góp ý về chính sách Nhà nước đối với đo đạc và bản đồ, hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản, hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, các điều khoản chi tiết cũng như kỹ thuật văn bản, Ban Phụ trách chỉnh sửa nội dung Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, đảm bảo Luật ban hành sẽ có tính khả thi cao phù hợp với thực tiễn của quốc gia.

Việt Khang