Đắk Lắk: Mưa lớn gây ngập lụt tại nhiều địa phương
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 20:28, 17/10/2021
Nhiều diện tích bị ngập sâu do mưa lớn |
Nhiều thiệt hại do mưa lớn
Do mưa lớn kéo dài, lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn nên nhiều khu vực trên địa bàn huyện Ea Súp bị ngập cục bộ, các địa phương bị ảnh hưởng là xã Cư Kbang, Ea Rốk, Xã Ia Rvê, Ya Tờ Mốt, Ia Lơi, Ea Bung và thị trấn Ea Súp. Tính đến 7h ngày 17-10 đã có 390 hộ dân trên địa bàn huyện bị ngập phải di dời tạm thời.
Mưa kéo dài lượng nước tăng nhanh làm hệ thống giao thông xã Ya Tờ Mốt bị cô lập chia cắt hoàn toàn; đường liên xã Cư Kbang - Ea Rốk bị ngập sâu, xói mòn; đường liên xã Ea Rốk - Ia Rvê ngập sâu 2 đến 3m; cầu dân sinh thôn Bình Lợi đi xã Ea Nam huyện Ea Hleo bị cuốn trôi… Bên cạnh đó, mưa lũ cũng đã làm thiệt hại hơn 1.800 ha lúa, hoa màu và gần 1.000 con vật nuôi của người dân.
Trước đó, trưa ngày 16/10 tại huyện Ea Súp, mực nước dâng nhanh khiến giao thông một số xã bị ngập sâu từ 0,5 – 1 m gây chia cắt cục bộ tại xã Ia Lốp, Cư Kbang, khu vực thôn 9 đến thôn 17 thuộc xã Ea Rốk; tuyến đường từ xã Ea Rốk vào xã Ia Rvê…
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nhung (thôn 5, xã Cư Kbang) cho biết, tính từ đêm 15/10 đến nay mưa lớn kéo dài, lượng nước đổ về rất lớn nhiều nhà cửa người dân bị ngập sâu lắm, đường sá đi lại không được. “Mưa lớn cả đêm, kéo dài đến ban ngày lượng nước lớn đổ về nhà tôi bị ngập cùng khu vực này có nhiều chỗ bị ngập sâu nữa”, bà Nhung sợ hãi nói.
Một trong nhiều tuyến đường bị ngập sâu gây khó khăn cho người dân lưu thông |
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng uỷ xã Cư Kbang, nước đổ về từ thượng nguồn kèm theo mưa lớn trên địa bàn xã nên từ khoảng 8 giờ sáng này nước lũ trên địa bàn xã lên nhanh đã khiến nhiều khu vực ngập cục bộ. Có khoảng 30 ngôi nhà của người dân bị ngập trong nước lũ chủ yếu tại thôn 5 và khu vực gần suối Ea Khal.
Nhiều diện tích lúa mới gieo sạ và hoa màu của người dân cũng bị ảnh hưởng. Từ sáng sớm, lực lượng chức năng của xã đã hỗ trợ di dời 70 người dân bị cô lập tại các khu vực đến nơi an toàn. Đến trưa, huyện Ea Súp đã huy động thêm lực lượng công an, bộ đội dùng ca nô để ứng cứu 16 người dân bị mặc kẹt do lũ.
“Diện tích lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp bị ngập tương đối lớn, chủ yếu là cây lúa, cây sắn, cây đậu và cây bắp, trong đó có một số diện tích mới gieo sạ, một số đang thu hoạch. Trước mắt, xã đảm bảo đời sống cho người dân và các hộ gia đình bị ngập. Đồng thời, thống kê tài sản, vật chất của gia đình để báo cáo, trong khả năng của xã hỗ trợ kịp thời và đề nghị cấp trên hỗ trợ người dân đảm bảo đời sống, sản xuất”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm.
Tại thị trấn Ea Súp, tình trạng ngập cục bộ cũng xảy ra ở nhiều vị trí, như: khu vực thôn 6, thôn 8, thôn 9 và thôn 3, thôn 4 dọc theo suối Ea Súp. Đặc biệt tại khu vực thôn 5, thị trấn Ea Súp có khoảng 20 hộ dân bị ngập sâu và chia cắt cần di dời khẩn cấp. Hiện các lực lượng chức năng của Thị trấn đang tổ chức lực lượng để di dời.
Ngoài ra, các xã hiện đang bị ngập cục bộ ở các điểm dân cư như: một số điểm tại thôn 14a và 14b (xã Ya Tờ Mốt); ngã tư Cư Mlan (xã Cư Mlan), nhiều xã chưa bị ảnh hưởng, tuy nhiên mực nước đang lên nhanh như xã Ea Rốk, xã Ia Rvê, xã Ia Lốp... Mưa lớn cũng đã khiến hàng trăm hecta hoa màu ở hầu hết các xã đang trong tình trạng ngập lụt, có nguy cơ mất trắng.
Mưa lớn ảnh hưởng lớn đến cây trồng trên địa bàn một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk |
Địa phương hỗ trợ người dân di dời tài sản
Trước tình hình trên, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thông báo, yêu cầu các hộ dân ở vùng trũng thấp di dời tài sản, gia súc, gia cầm lên nơi an toàn, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để chủ động ứng phó.
Đối với hai đầu cầu thôn 5B (xã Ea Wy), thôn 9 và thôn 5 (xã Cư A Mung), cầu tạm qua suối Cư Mốt nối giữa thôn 4A và 4B (xã Cư Mốt) và đoạn đường xóm Miền Tây tại thôn 4 (xã Ea H’Leo) đề nghị UBND xã Ea Wy và Cư A Mung cắt cử lực lượng trực 24/24 không cho người dân và phương tiện qua lại gây mất an toàn. Chỉ được phép cho lưu thông, đi lại khi khi nước đã rút hoàn toàn. Đồng thời, tổ chức, hỗ trợ nhân dân sơ tán ra khỏi nơi vùng có nguy cơ sạt lở, vùng trũng lũ quét.
Trong sáng 17/10, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị trực tiếp cùng Đoàn công tác xuống kiểm tra thực tế tại khu vực xả tràn Hồ Ea Súp, huyện Ea Súp. Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk đề nghị huyện Ea Súp cần tiếp tục thực hiện cấp bách các biện pháp phòng, chống thiên tai; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai; bố trí lực lượng và phương tiện túc trực tại các khu vực xung yếu để hướng dẫn người và phương tiện qua lại và sẵn sàng ứng phó với các tình huống; triển khai các lực lượng để sơ tán người, tài sản của người dân đến nơi an toàn; di dời các hộ dân có nguy cơ bị ngập đến khu vực cao.
Nước lên nhanh làm ngập sâu nhiều ngôi nhà |
Đối với đơn vị vận hành hồ chứa, cần tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, đặc biệt là theo dõi lượng nước đầu nguồn đổ về hồ để có phương án ứng phó, điều tiết xả nước phù hợp với tình hình; khi có kế hoạch xả nước phải thông báo ngay cho người dân và chính quyền địa phương để chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai.
Theo dự báo, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có phương án khắc phục thiên tai; sơ tán nhân dân ra khỏi vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt và có phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Cử lực lượng túc trực tại các nguy cơ trọng yếu để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có trường hợp xảy ra.