Bảo đảm việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước có tính đột phá, hiệu quả, hiệu lực
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 16:31, 16/10/2021
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp |
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, để triển khai xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ TN&MT đã có các Công văn gửi đến các Bộ liên quan và và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012. Trên cơ sở kết quả đánh giá, tổng kết của 6/6 Bộ và 49/63 tỉnh, thành phố, đồng thời rà soát, đánh giá quy định liên quan đến tài nguyên nước trong các Luật có liên quan, Bộ TN&MT đã tổng kết, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Ngày 13/9/2021, Bộ TN&MT đã có Công văn số 5566/BTNMT-TNN gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, hồ sơ Dự án cũng được gửi đến 20 đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT để lấy ý kiến góp ý.
Đến nay, Bộ TN&MT đã nhận được ý kiến góp ý của 85/104 cơ quan, đơn vị. Trong đó, có 22/85 cơ quan, đơn vị nhất trí hoàn toàn với Dự thảo hồ sơ. Các cơ quan, đơn vị còn lại cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục Dự thảo hồ sơ, sự cần thiết ban hành văn bản và có một số ý kiến góp ý khác.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh báo cáo tại cuộc họp |
Theo ông Châu Trần Vĩnh, trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, rà soát những bất cập, chồng chéo với các luật khác có liên quan, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và để bảo đảm việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước có tính đột phá, hiệu quả, hiệu lực trong thi hành, Bộ TN&MT đề xuất sửa đổi Luật Tài nguyên nước với các chính sách, nội dung chính như sau: Bảo đảm an ninh tài nguyên nước; Xã hội hóa ngành nước; Tài chính về tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác.
Cùng với đó, đối với từng chính sách, Bộ TN&MT sẽ đánh giá theo quy trình, xác định vấn đề bất cập hiện tại (trong đó nêu rõ hậu quả và nguyên nhân), đưa ra các mục tiêu chính sách, xây dựng các phương án chính sách dự kiến để giải quyết vấn đề và đánh giá tác động (bao gồm kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật) đối với phương án chính sách dự kiến.
Cụ thể, về nội dung của chính sách bảo đảm an ninh tài nguyên nước, bổ sung các quy định về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia theo hướng tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ Luật Tài nguyên nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, an ninh nước cấp cho sinh hoạt.
Nội dung của chính sách về xã hội hóa ngành nước sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tăng cường xã hội hóa trong các hoạt động thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như: quan trắc tài nguyên nước; phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; bảo vệ lòng bờ, bãi sông, khôi phục cảnh quan, phát triển nguồn sinh thủy; hoạt động điều tra cơ bản; và dịch vụ công nhằm phù hợp với điều kiện thực tiễn về nguồn lực của nhà nước.
Bổ sung quy định về kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước.
Nội dung của chính sách tài chính về tài nguyên nước tập trung bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế, giá trị hàng hóa và nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy.
Mặt khác, để có biện pháp, chính sách quản lý, bảo vệ tài nguyên nước hiệu quả đối đối với các vùng hạn chế khai thác tài nguyên nước, Bộ TN&MT cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tới bảo vệ tài nguyên nước quy định tại Chương 3 của Luật Tài nguyên nước 2012.
Ngoài các chính sách nêu trên, trong quá trình sửa đổi, bổ sung sẽ xem xét sửa đổi một số nội dung nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập, chồng chéo, xung đột, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về tài nguyên nước như: Sửa đổi phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch tài nguyên nước; sửa đổi, lược bỏ các quy định liên quan đến cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được quy định trong Điều 37 và Điều 38 của Luật Tài nguyên nước 2012 để bảo đảm phù hợp với Luật Môi trường 2020; Tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước; Bổ sung quy định về quản lý các hoạt động trong ở vùng bổ cập cho nước dưới đất;….
Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến |
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị tham dự đánh giá cao quá trình xây dựng, chuẩn bị hồ sơ sửa Luật tài nguyên nước năm 2012 của Cục Quản lý tài nguyên nước. Các báo cáo, tờ trình, đề cương sửa Luật tài nguyên nước năm 2012 đã đảm bảo các yêu cầu về tiến độ cũng như chất lượng nội dung, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Đồng thời cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy trí tuệ, bảo đảm việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước có tính đột phá, hiệu quả, hiệu lực.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung trí tuệ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại các địa phương, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước cần rà soát, bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên nước một cách đồng bộ, tổng hợp, thống nhất với các luật có liên quan. Đặc biệt, các nội dung quy định trong Luật phải rõ ràng, có tính khả thi, dài hạn và phù hợp với thời kỳ phát triển công nghệ số, các Điều ước và thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.