Bất động sản công nghiệp trầm lắng
Bất động sản - Ngày đăng : 15:48, 14/10/2021
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo thị trường BĐS công nghiệp phía Nam quý 3/2021 của JLL Việt Nam, trong các tháng 7, 8, 9, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động nặng nề đến việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) do nhiều tỉnh thành phong tỏa kéo dài. Cùng với đó, các KCN đang hoạt động cũng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất để phục vụ công tác chống dịch. Thị trường bị đóng băng khi không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý ở cả lĩnh vực thuê đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn.
Do ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư, đất công nghiệp phía Nam không có nguồn cung mới được triển khai trong quý, nguồn cung duy trì ở mức 25.220ha. Ngoài ra, thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng tương đối ảm đạm với duy nhất một nguồn cung mới được tung ra, từ dự án được xây dựng từ quý 1/2021. Tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn đạt khoảng 3,3 triệu m2.
JLL Việt Nam nhận định, mặc dù nhiều lĩnh vực sản xuất và các nhà đầu tư chưa thể triển khai các hoạt động mở rộng kinh doanh, giá đất vẫn tiếp tục tăng và đạt mức 114 USD/m2 (tương đương 2,6 triệu đồng/m2) theo kỳ hạn thuê, tăng 0,75% so với quý trước và tăng 7,30% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn được giữ ổn định, với mức 4,5 USD/m2/tháng (tương đương 100.000 đồng/m2), tăng nhẹ 1,4% so với năm trước, như là một hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ dịch bệnh.
Trong quý 3/2021, số lượng dự án FDI đăng ký mới vào các KCN ghi nhận xu hướng giảm, thị trường cũng ghi nhận một số doanh nghiệp sản xuất đã phải chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam để ứng phó với tình hình. Tuy nhiên, việc dịch chuyển đơn hàng hiện chỉ mang tính tạm thời và chưa có doanh nghiệp FDI nào rời Việt Nam. Thị trường dự báo chuyển biến tích cực hơn khi dịch bệnh được kiểm soát, TP.HCM cùng các thủ phủ công nghiệp lân cận mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Bà Trang Bùi - Giám đốc cấp cao Bộ phận Thị trường, JLL Việt Nam cho rằng, mặc dù giãn cách xã hội dài ngày đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ những lợi thế về nguồn nhân lực, các hiệp định thương mại tự do đa dạng và những cam kết của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng. Nếu đại dịch sớm được kiểm soát, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà Trang Bui, điều cấp thiết nhất lúc này là các tỉnh khu vực phía Nam cần sớm mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới một cách đồng bộ, để khôi phục tiềm năng và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Cùng với đó, các thủ tục mở cửa trở lại nên được hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp để chiến lược phục hồi được triển khai hiệu quả sau thời gian chống chọi với đại dịch.