Sóc Trăng: Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:10, 14/10/2021
Nhiều giải pháp được triển khai
Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Nhằm nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các quy định về quản lý tài nguyên nước tại địa phương; hoàn thiện các phần mềm quản lý hồ sơ cấp phép về tài nguyên nước; giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; đồng thời triển khai dự án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông chính”...
Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng cũng tập trung xây dựng đồng bộ, thống nhất mạng lưới cấp, thoát nước tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vừa để đảm bảo chất lượng nguồn nước trên các sông, kênh rạch, vừa thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đối với các khu, cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động đều phải có nhà máy xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Cán bộ Sở TN&MT Sóc Trăng phân tích chất lượng nước trên sông Hậu. |
Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức điều tra, khảo sát các sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh để tập trung đầu tư nguồn lực triển khai nâng cấp, cải tạo khắc phục kịp thời tình trạng ô nhiễm nguồn nước; tổ chức lấp các giếng khoan nước ngầm không còn sử dụng.
Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho thấy, tính đến tháng 6/2021, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai trám lấp được trên 700 giếng khoan không còn sử dụng để phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước ngầm; đồng thời thường xuyên tổ chức theo dõi, cập nhật đầy đủ những thông tin về chiều sâu mực ngầm hàng năm trên địa bàn tỉnh để đề xuất các giải pháp ứng phó.
Hàng tháng, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng thực hiện quan trắc thu mẫu, đo đạc hiện trường, phân tích các thành phần môi trường trong nước mặt trên các tuyến sông, rạch, nước ngầm và công bố công khai để giúp các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động đề ra các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải thực hiện quan trắc lưu lượng, chất lượng nguồn nước và định kỳ báo cáo về Sở TN&MT để theo dõi, quản lý.
Tăng cường ngăn mặn, trữ ngọt
Theo ông Ngô Thái Chân, Sóc Trăng là địa phương nằm ở cuối nguồn sông Hậu, tiếp giáp với Biển Đông nên những năm gần đây thường xuyên chịu tác động bởi xâm nhập mặn vào mùa khô, ngập úng vào mùa mưa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là tại các huyện, thị xã ven biển.
Từ thực tế đó, những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều công trình, dự án nhằm ngăn mặn, trữ ngọt như Dự án xây dựng công trình đê bao chống ngập úng vùng trũng ở TX. Ngã Năm; Dự án ngăn mặn phục vụ sản xuất tại một số tuyến sông trên địa bàn TP. Sóc Trăng; Dự án xây dựng đê bao ở huyện Cù Lao dung; đồng thời tỉnh Sóc Trăng tiếp tục bảo vệ 3 ao hồ chứa nước ngọt tại khu vực TP. Sóc Trăng với tổng diện tích khoảng 8,3ha.
Để hạn chế khai thác nước ngầm tại những nơi có thể khai thác nước mặt, tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch 9,5ha đất tại xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành để xây dựng Nhà máy xử lý nước mặt với công suất dự kiến 10.000m3/ngày, góp phần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân huyện Châu Thành, TP. Sóc Trăng.
Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh ứng dụng các mô hình sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước trong sản xuất như mô hình nước sạch và môi trường, đồng thời khuyến khích người dân, nhất là những vùng khó khăn về nguồn nước cải tạo lại các ao, kênh rạch để thu gom, tích trữ nước mưa phục vụ cho sinh hoạt và ăn uống.