Quảng Nam: Khơi thông nguồn lực đất đai

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 09:19, 14/10/2021

(TN&MT) - Các quy định công khai trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, quyền quyết định thu hồi, trưng dụng, quyền quyết định giá đất… trong Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai, đã và đang khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của tỉnh Quảng Nam.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai ở Quảng Nam?

Ông Lê Trí Thanh:

Để thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, trên cơ sở nội dung Nghị quyết và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 32 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, cùng với hệ thống pháp luật cấp trên đã tạo lập một hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định và thống nhất trong hoạt động quản lý điều hành liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Những năm qua, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của tài nguyên đất đai đã được nâng lên; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từng bước được hoàn thiện; công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất được tăng cường. Thủ tục hành chính ngày càng được cải thiện, ổn định, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PV: Cụ thể việc vận dụng chính sách, pháp luật đất đai đã tạo ra nhiều thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và đối tượng sử dụng đất như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Trí Thanh:

Đến nay, Quảng Nam đã hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Quảng Nam được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 7/10/2019. Về cấp huyện, đã hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đối với 16/18 huyện, thị xã, thành phố.

Hàng năm, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết phê duyệt và phê duyệt bổ sung Danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rằng đặc dụng luôn được địa phương chú trọng, quản lý chặt chẽ, đảm bảo theo đúng chỉ tiêu phân bổ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành trình tự, thủ tục về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính thống nhất, chuyên nghiệp trong triển khai thực hiện làm tăng niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc kê khai đăng ký đất đai đối với các thửa đất đã thực hiện đo đạc theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993, Nghị định 60/NĐ-CP ngày 5/4/1994; đã hoàn thiện việc xây dựng hồ sơ địa chính; cơ sở dữ liệu quản lý đất đai dạng số và đã vận hành trên hệ thống thông tin đất đai cho 38 xã/ 4 huyện gồm; kê khai đăng ký và cấp được 67.118 GCN/64.048ha.

Một góc thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam.

Ngoài ra, tỉnh đã ban hành quy định về giá đất, giá đất 5 năm thời kỳ 2020 - 2024 trên địa bàn và quy định hệ số điều chỉnh bảng giá đất hàng năm. Thực hiện kiểm tra thẩm định giá đất trình cấp có thẩm quyền (cấp tỉnh và cấp huyện) phê duyệt giá đất cụ thể để áp dụng thu tiền sử dụng đất, giá đất tái định cư, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên 500 dự án.

PV: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, địa phương đã gặp những vướng mắc, khó khăn gì cần  tháo gỡ và đề xuất tháo gỡ?

Ông Lê Trí Thanh:

Khó khăn mà địa phương gặp phải khi triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW có thể kể đến là khi được thể chế hóa bằng Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định này chưa đáp ứng hết các phát sinh trong thực tiễn quản lý, còn chồng chéo so với các quy định pháp luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở,... Bên cạnh đó, nguồn gốc đất đai trên địa bàn chưa thật sự rõ ràng, chính sách pháp luật về đất đai lại thường xuyên thay đổi, trong khi việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai qua các thời kỳ chưa quyết liệt, dứt điểm dẫn đến quyền lợi của người dân chưa được giải quyết hài hòa, nhất là tại các thời điểm giao thời giữa Luật cũ và mới.

Ngoài ra, tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai của địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế, cá biệt còn có tình trạng lợi dụng chức vụ để tham nhũng, trục lợi gây bất bình trong dư luận và nhân dân.

Thời gian tới, để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản cụ thể hóa Luật Đất đai và các Luật, Nghị định đảm bảo sự đồng bộ để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất. Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về việc đăng ký và lập hồ sơ địa chính điện tử, thực hiện đăng ký chữ ký điện tử; có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính trong công tác cấp Giấy chứng nhận bằng hình thức quét (scan) dữ liệu hồ sơ gốc vào máy tính và trả lại hồ sơ gốc cho người làm thủ tục khi trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bộ TN&MT thường xuyên tổ chức tập huấn những văn bản mới, hỏi đáp chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý đất đai đối với các tỉnh, thành phố nhất là công tác giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hướng dẫn kịp thời các nội dung vướng mắc khi địa phương có văn bản đề nghị. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; kinh phí thực hiện nhiệm vụ đánh giá tài nguyên đất, đánh giá thoái hóa đất tỉnh Quảng Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)