Bình Định: Chuyện về bể xử lý rác
Câu chuyện môi trường - Ngày đăng : 22:27, 13/10/2021
Được sự giới thiệu của chị Nguyễn Thị Hồng Diễm – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Mỹ Trinh, chúng tôi tìm về thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ gặp ông Lê Văn Thìn là người công dân đi đầu trong việc thực hiện và tuyên truyền về mô hình “Xây dựng bể xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình” do Ủy ban MTTQVN xã Mỹ Trinh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Xã Mỹ Trinh huyện Phù Mỹ |
Khi trò chuyện với phóng viên Báo TN&MT về mô hình “Xây dựng bể xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình”, ông Lê Văn Thìn phấn khởi và không ngừng khen ngợi thành quả sau một năm thực hiện triển khai mô hình tại gia đình mình và nhiều gia đình khác trong thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh.
Ông Lê Văn Thìn và mô hình bể xử lý rác sinh hoạt tại gia đình |
Ông Lê Văn Thìn vui vẻ chia sẻ: Đây là mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình rất tuyệt vời, vừa thiết thực vừa mang lại hiệu quả cao mà chi phí thực hiện thấp. Tôi chỉ bỏ ra 270 nghìn đồng trả công thợ để xây cái bể, sau đó chứa rác vào bể và tiến hành phân hủy rác tại bể. Khi rác được tiêu hủy tôi lấy tro đem bón cho cây trồng xung quanh vườn. Vì xe chở rác có chỗ đi vào được chỗ không do đường nhỏ hẹp nên trước đây người dân hay vứt rác bữa bãi làm ảnh hưởng môi trường xung quanh, nhưng từ khi có bể xử lý rác thì nhà nào cũng sạch sẽ, người dân không vứt rác ra đường đi nên bây giờ khu dân cư rất sạch sẽ.
Mô hình bể xử lý rác sinh hoạt tại hộ gia đình |
Bà Nguyễn Thị Kim Thu ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh vui mừng chia sẻ thêm: Hưởng ứng mô hình “Xây dựng bể xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”, nhà tôi làm bể được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Mỹ Trinh hỗ trợ vật liệu, còn gia đình thuê công làm. Hơn một năm nay, từ khi có bể rác việc gom và xử lý rác được thực hiện theo đúng hướng dẫn, rất tiện lợi.
Bà Nguyễn Thị Oanh ở thôn Trực Đạo, xã Mỹ Trinh cũng góp lời: Gia đình tôi cũng vừa xây xong bể xử lý rác bằng việc tận dụng gạch cũ, mua thêm bao xi măng, cát tự làm là xong. Bây giờ gia đình tôi có nơi đốt rác cố định, không đốt vườn nhà như trước nữa. Lượng tro tạo ra trong quá trình đốt rác được trộn vào phân bò để bón cho ruộng.
Đường thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh sạch sẽ từ khi có mô hình bể xử lý rác |
Mô hình “Xây dựng bể xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình” do Ủy ban MTTQVN xã Mỹ Trinh triển khai thực hiện từ tháng 8 năm 2020 với sự tham gia của 40 hộ gia đình tại thôn Trà Lương. Mỗi hộ dân tự chọn địa điểm phù hợp và xây một bể chứa rác thải bằng gạch tại hộ, có kích thước dài 100 cm, rộng 100 cm, cao 70 cm. Tổng kinh phí thực hiện mô hình 18.560.000 đồng, trong đó Ủy ban MTTQVN xã Mỹ Trinh hỗ trợ 12.560.000 đồng, hộ dân đóng góp 6.000.000 đồng.
Đánh gia chung về kết quả bước đầu thực hiện mô hình, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Mỹ Trinh cho biết: Đại đa số các hộ dân tham gia mô hình đều chấp hành tốt nội dung mà Ban điều hành đề ra, thường xuyên tiến hành thu gom, phân loại rác và xử lý theo đúng quy trình hướng dẫn, cho vào hố và đốt sạch sẽ đối với các loại rác không thể tái sử dụng, ít nhất đốt 1 lần/tuần. Mô hình bể xử lý rác đã hạn chế tối đa tình trạng người dân vứt rác ra đường giao thông, từ đó thay đổi cảnh quan môi trường, tạo ra môi trường sạch hơn. Mỗi hộ gia đình có ý thức trong việc tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp như phát dọn vệ sinh sạch sẽ, trồng các loại cây xanh trong vườn, trồng hoa dọc các tuyến đường đi.
Cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại xã Mỹ Trinh |
Mô hình “Xây dựng bể xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình” ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ là mô hình hay, tuy đơn giản nhưng hữu hiệu, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Có lẽ đây sẽ là giải pháp mà ngành tài nguyên và môi trường Bình Định cần ghi nhận và nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường bởi rác thải sinh hoạt tại vùng nông thôn hiện nay.