Việt Nam coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân
Thời sự - Ngày đăng : 11:13, 13/10/2021
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Trần Văn |
Sự kiện có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước, các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, thành viên Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và các Bộ, ngành. Sự kiện cũng nhận được sự quan tâm chia sẻ qua hình thức kết nối trực tuyến của lãnh đạo Văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, lãnh đạo Ban Thư ký ASEAN, lãnh đạo Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (AHA), đồng thời, được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, với chủ đề “Hợp tác để cùng nhau vượt qua thách thức”, sự kiện ngày hôm nay khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc đoàn kết, hưởng ứng cùng các quốc gia, các cơ quan Liên Hợp Quốc và ASEAN, các tổ chức quốc tế để thúc đẩy nhận thức toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực, ứng phó có hiệu quả hơn nữa với thiên tai, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, đời sống của nhân dân, của xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm, trung bình thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành (ngồi bên phải) tham dự sự kiện. Ảnh: Trần Văn |
Do vậy, công tác phòng chống thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của toàn thể nhân dân. Hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai ngày càng hoàn thiện; nguồn lực cho phòng chống thiên tai ngày càng được ưu tiên. Nhờ vậy, công tác phòng chống thiên tai thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong hợp tác quốc tế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế liên quan đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, như: tham gia Khung hành động SENDAI toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, ký kết Nghị định thư Kyoto của Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, và tham gia các cam kết trong khuôn khổ Nhóm công tác ứng phó khẩn cấp của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC). Trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực, có vai trò chủ động, đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực chung của ASEAN trong phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ rõ, công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế về dự báo, cảnh báo, về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, về lực lượng, về ứng dụng khoa học kỹ thuật, về khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai… Trong khi, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đặt ra yêu cầu phải ứng phó hiệu quả với rủi ro khi thiên tai và dịch bệnh cùng xảy ra.
Quang cảnh sự kiện. Ảnh: Trần Văn |
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh cam kết của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Theo đó, Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai từ cấp Trung ương đến cơ sở; từng bước hiện đại hóa lực lượng phòng chống thiên tai; lồng ghép nội dung, chương trình phòng, chống thiên tai trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, củng cố các công trình, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; huy động hiệu quả nguồn lực xã hội trong giảm nhẹ, khắc phục hậu quả, khôi phục và ổn định sản xuất, đời sống nhân dân sau thiên tai...
“Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các điều ước đã ký kết về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tổ chức quốc tế khi thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, cứu trợ, giúp đỡ Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời, đảm bảo mọi sự hỗ trợ sẽ đều công khai, minh bạch, đúng địa điểm và đối tượng”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện, ông Marco Toscano Rivalta, đại diện Văn phòng khu vực của Liên Hợp Quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho biết, các quốc gia suốt từ Thái Bình Dương đến Tây Á đã và đang phải chiến đấu với cả đại dịch COVID-19 và các thiên tai liên quan đến khí hậu. Chính phủ Việt Nam và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã chủ động xây dựng các hướng dẫn chi tiết về cách thức xử lý các thảm họa kép, cho phép lồng ghép một cách linh hoạt các hoạt động phòng chống thiên tai trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Ông Marco Toscano Rivalta phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thanh Tùng |
Việt Nam cũng phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Với 70% dân số Việt Nam đang sinh sống ở các vùng ven biển và trũng thấp, điều này có nghĩa là các thiên tai trong tương lai sẽ gây ra hậu quả và thiệt hại lớn hơn nữa. “Tôi thực sự hoanh nghênh và đánh giá cao viêc Chính phủ Việt Nam thông qua Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng 3 năm nay”, ông Marco Toscano Rivalta nói.
Hoan nghênh Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có những cam kết giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ông Marco Toscano Rivalta cảm ơn sự lãnh đạo của Tổng cục Phòng chống thiên tai trong quá trình xây dựng và ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt việc Việt Nam đã thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai quốc gia năm 2021.
“Không một quốc gia nào trên thế giới có thể tự mình giải quyết các rủi ro về khí hậu, sinh học và thiên tai. Vì vậy hợp tác quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng, phù hợp và góp phần thực hiện Mục tiêu F của Khung Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai. Các quốc gia cần hợp tác với nhau để chia sẻ kiến thức, chuyên môn kỹ thuật, cung cấp các hỗ trợ tài chính và xây dựng các kế hoạch xuyên biên giới và trong các lĩnh vực khác”, ông Marco Toscano Rivalta nhấn mạnh.
Tổng cục Phòng chống thiên tai vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Ảnh: Trần Văn |
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra Lễ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho tập thể Tổng cục Phòng, chống thiên tai và Huân chương Lao động hạng Nhất cho cá nhân đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai. Nhân dịp này, Quỹ Phòng, chống thiên tại Trung ương (được thành lập theo Nghị định số 78/2001/NĐ-CP) chính thức ra mắt với những đóng góp, ủng hộ đầu tiên của các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được bắt đầu vào năm 1989, do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khởi xướng và lựa chọn ngày 13/10 hàng năm để thúc đẩy văn hóa toàn cầu nhận thức về giảm thiểu rủi ro thiên tai. ASEAN cũng lấy ngày này là Ngày Quản lý thiên tai ASEAN để kỷ niệm cách thức mà người dân và cộng đồng trên toàn thế giới giảm rủi ro thiên tai và nâng cao nhận thức về những rủi ro mà họ phải đối mặt trong quá trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Năm 2021, Liên Hợp Quốc lấy chủ đề Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai là: “Hợp tác để cùng nhau vượt qua thách thức kép”.