Hợp tác đón đầu xu hướng mới về công nghệ khai khoáng

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:24, 13/10/2021

(TN&MT) - Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Khoáng sản lần thứ 8 (AMMin 8) được tổ chức trực tuyến ở 10 nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN mới đây, đại diện các nước ASEAN, các doanh nghiệp và trường đại học đã dự báo rằng sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu về khoáng sản sẽ phát triển mạnh mẽ.

Hợp tác khoáng sản ASEAN thu được lợi ích từ xu hướng khoáng sản toàn cầu

Hướng tới một tương lai năng lượng sạch hơn

Theo ông Satvinder Singh, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế, sự tăng trưởng trong tiêu dùng, sản xuất và cơ sở hạ tầng đang thúc đẩy những thay đổi về nhu cầu khoáng sản trên toàn cầu và các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) có thể có khả năng, thông qua cải thiện hợp tác, để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng và nhu cầu của các thị trường hàng hóa mới.

Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng này, AMS cũng như các nước trên toàn cầu mong đợi một số xu hướng mới nổi. Đại diện Đại học Queensland (Úc) cho rằng, xu hướng đầu tiên là sự gia tăng đáng kể nhu cầu khoáng sản cần thiết cho một tương lai năng lượng sạch hơn.

Cụ thể, các công nghệ năng lượng sạch kể cả năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, được dự đoán sẽ góp phần làm tăng nhu cầu tổng thể về khoáng sản cho đến năm 2050 và xa hơn.

Ngoài ra, còn một số công nghệ năng lượng sạch khác như: công nghệ sản xuất panel pin mặt trời dùng silicon, bạc và đồng; công nghệ sản xuất tua-bin gió và động cơ cho xe điện dùng các chất đất hiếm; công nghệ lưu trữ năng lượng, dùng nhiều niken, coban, magan, lithium và sắt; hệ thống truyền tải điện sẽ tiếp tục dùng đồng, nhôm, thép và niken.

Ông Satvinder Singh, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế phát biểu tại Hội nghị AMMin 8

Đón đầu xu hướng này, Công ty Nickel Mines Bản Phúc đã học hỏi nhiều kinh nghiệm từ quốc tế, các nước ASEAN và Úc trong việc xây dựng các “mỏ xanh”. Trao đổi bên lề Hội nghị AMMin 8, ông Nguyễn Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Nickel Mines Bản Phúc cho biết: Chủ trương của công ty là chú trọng xây dựng các “mỏ xanh”, giảm thiểu chất CO2 ra ngoài khí quyển để tiến tới đạt được mục tiêu không phát thải CO2 trong tương lai.

Để làm được như vậy, công ty sẽ sử dụng các máy khoan chạy bằng ắc quy thay vì dùng điện từ bằng máy nổ đốt dầu diesel, và các xe tải điện trong phạm vi mỏ. Hơn nữa, sau khi khai thác quặng, công ty biến quặng thành tinh quặng có hàm lượng khoảng 8 - 9%, chuyển đến nhà máy và chế biến sâu để thành NCM (N: niken; C: Coban; M: Mangan, với Coban và Mangan nhập từ nước ngoài). Đó là những chất quan trọng để công ty chế tạo ra ắc quy xe điện. Công ty dự kiến chuyển tinh quặng niken từ mỏ đến nhà máy chế biến sâu bằng xe điện để giảm khí CO2. Từ khai thác niken ở mỏ đến chế biến sâu ở nhà máy gần mỏ, công ty giữ được chuỗi giá trị ở Việt Nam.

Sự gia tăng đáng kể nhu cầu khoáng sản cần thiết cho một tương lai năng lượng sạch hơn. Ảnh minh họa

Ngoài ra, công ty luôn quan tâm bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng thông qua chương trình xây cầu, đạo tạo và hướng nghiệp cho người dân địa phương, cũng như giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác hay thăm dò các mỏ. Chẳng hạn, thay vì khoan nhiều mũi khoan tại nhiều vị trí, công ty đang sử dụng phương pháp “khoan chùm” để khoan nhiều mũi từ một vị trí. Đồng thời, công ty sẽ tái trồng rừng và trồng mới rừng ở những nơi khác để giúp bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, tất cả những biện pháp trên nằm trong chính sách Quản trị về Môi trường vã Xã hội (ESG) mà công ty đang phát triển.

Kỳ vọng về xu hướng mới nổi 

Bên cạnh xu hướng về năng lượng sạch, khí hóa điện các phương tiện giao thông và thiết bị cũng là một xu hướng mới nổi. Đại diện Đại học Queensland cho rằng, xu hướng này sẽ thúc đẩy nhu cầu về khoáng sản pin và đất hiếm cho động cơ hiệu suất cao và đồng. Sự tăng trưởng của việc sử dụng xe điện dự kiến sẽ tiếp tục với 135 triệu xe được mua trong 10 năm tới. Xe điện hiện đang sử dụng nhiều phiên bản pin lithium khác nhau, trong khi động cơ điện hiệu suất cao sử dụng các nguyên tố đất hiếm trong nam châm và đồng để làm cuộn dây.

Đồng thời, chuyển hướng tới tương lai carbon thấp vì kim loại và khoáng sản cho phép ứng dụng năng lượng hiệu quả. Các kim loại và khoáng sản cho phép tạo ra một tương lai carbon thấp hơn trong nhiều hoạt động và công nghệ như nhôm, magiê, titan và than chì do đặc tính nhẹ của chúng và được sử dụng trong các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Khoáng sản và kim loại có những vai trò quan trọng để đạt được hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn - từ ứng dụng công nghệ cao trong động cơ hàng không, đến động cơ điện trong kết cấu máy bay và xe có động cơ nhẹ hơn.

Gia tăng số hóa cũng là xu hướng được mong chờ. Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số góp phần thúc đẩy nhu cầu và tiêu thụ khoáng sản. Tất cả các công nghệ kỹ thuật số đều sử dụng khoáng sản, với nhu cầu ngày càng tăng đối với các yếu tố phi truyền thống. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS 2016) đã xác định được 13 loại khoáng sản khác nhau trong một thiết bị di động điển hình như: cát silica, cassiterit, bauxit, sphalerit, chalcopyrit, tetrahedrit, thạch anh, arsenopyrit, tantalit, wolframit, spodumene, graphite và libenasit. Hơn một nửa số thành phần trong thiết bị di động được làm từ khoáng sản.

Ông Nguyễn Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Nickel Mines Bản Phúc trao đổi bên lề Hội nghị AMMin 8

Đại diện Đại học Queensland dự báo xu hướng tăng trưởng cơ sở hạ tầng. Theo đó, khoáng sản và các sản phẩm của chúng cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm sỏi và đá nghiền, cát và xi măng, cùng với kim loại xây dựng bao gồm thép, đồng và nhôm. Đồng thời, dự báo về nhu cầu nông nghiệp, trong đó nhu cầu về phân bón và các nguyên tố vi lượng như kali và phốt phát cho phép tăng sản lượng lương thực và chất xơ sẽ tăng lên khi các nhà sản xuất nông nghiệp tìm cách tăng sản lượng.

Hội nghị AMMin 8 tại đầu cầu Việt Nam

Tăng cường kêu gọi phát triển bền vững và các tiêu chuẩn về Quản trị về Môi trường vã Xã hội (ESG) cũng là xu hướng được kỳ vọng. Phát triển bền vững đang trở thành một yếu tố cơ bản trong việc thu hút tài chính và đầu tư toàn cầu, cũng như trong việc xin giấy phép để phát triển khoáng sản. Tại Hội nghị, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra 6 kiến nghị cho sự phát triển bền vững về mỏ và khoáng sản gồm: đảm bảo đầu tư cho việc khai thác các nguồn khoáng sản khác nhau; khuyến khích sự đổi mới trong mọi giai đoạn của chuỗi giá trị; tăng cường công tác tái tạo các khoáng sản qua sử dụng; tăng cường sức bền của chuỗi giá trị và sự minh bạch của thị trường; nâng cao tiêu chuẩn ESG và tăng cường cộng tác quốc tế giữa nhà sản suất và người tiêu dùng.

Các xu hướng mới nổi trên đã được xem xét trong quá trình dự thảo Kế hoạch Hành động Hợp tác Khoáng sản ASEAN 2016 - 2025 (AMCAP-III) giai đoạn 2 (2021 - 2025), nhằm hợp tác khoáng sản ASEAN thu được lợi ích từ những cơ hội mới nổi này, cũng như lưu ý đến những thách thức đang nổi lên do những thay đổi như vậy trong môi trường hoạt động của ngành.

Mai Đan