Bảo vệ sinh cảnh sống cho các loài chim di cư

Môi trường - Ngày đăng : 18:53, 12/10/2021

(TN&MT) - Mới đây, Cục Bảo Tồn Thiên Nhiên và Đa Dạng Sinh học; Báo Dân Việt, Công ty Hoang Dã đã đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến "Tầm quan trọng của các bãi triều ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đối với các loài chim di cư".

Tại Hội thảo các đại biểu đều đồng tình rằng,  ĐBSCL là một trong những khu vực trọng yếu của Việt Nam về bảo tồn chim di cư. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế – xã hội khiến các vùng đất ngập nước, nhất là khu vực ven biển ĐBSCL ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến sinh cảnh sống của loài chim di cư bị đe dọa. Bên cạnh đó, tình trạng săn bắt, bẫy bắt tràn lan cũng đẩy các loài chim đứng bên bờ hủy diệt.

Theo Chuyên gia Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên bộ môn điểu học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM, Giám đốc điều hành Wild Tour, ĐBSCL có nhiều loài chim di cư nằm trong Sách đỏ IUCN, trong đó có loài thuộc nhóm nguy cấp. Việc thực hiện các dự án phát triển như điện gió, nhiệt điện ven biển cũng khiến môi trường sống các loài chim di cư bị mất đi hoặc suy giảm, nhiều cá thể chim chết vì bị va đập vào cánh quạt gió… Vào mùa chim di cư khoảng tháng 9, 10, người dân săn bắt, bẫy rất nhiều. Do đó, ông đề nghị các cơ quan chức năng, đơn vị nghiên cứu và các bên liên quan cần tích cực phối hợp để bảo vệ các khu vực lưu trú cho các loài chim di cư.

Săn bắt chim di cư trái phép không những ảnh hưởng đến mục tiêu quốc gia mà còn ảnh hưởng đến cam kết quốc tế

Nhiều ý khiến cho rằng, để bảo vệ chim hoang dã, di cư cần kiểm soát các hoạt động buôn bán trực tuyến, giám sát dịch bệnh có thể có nguồn gốc từ các loài chim lây truyền sang người và động vật khác. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư. Phối hợp với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan để tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư có đường bay xuyên biên giới, bao gồm các vùng chim di cư quan trọng có điểm dừng chân tại Việt Nam. Phối hợp với các tổ chức quốc tế để tăng cường thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát đường bay của chim di cư.

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, nhận thức người dân cũng là một rào cản trong quá trình bảo tồn chim di cư. Nhiều nơi người dân không biết đến các quy định, săn bắt chim di cư và coi đây là "lộc trời" để kiếm sống. Nguồn chim này sẽ được đưa đến những nhà hàng, quán ăn và bày bán công khai. Để giải quyết vấn đề này, cần phổ biến mạnh hơn các thông tin pháp luật, chế tài xử phạt cho người dân để họ hiểu họ đang vi phạm pháp luật và sẽ bị trừng phạt nếu cố tình vi phạm. Do đó, cần tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến người dân.

Tuyến đường chim di cư

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết, săn bắt chim di cư trái phép không những ảnh hưởng đến mục tiêu quốc gia mà còn ảnh hưởng đến cam kết quốc tế. Với tư cách là thành viên của Hiệp hội Đường bay Đông Á – Úc (EAAFP) và công ước Ramsar, Việt Nam và các bên liên quan trong khu vực đã công nhận tầm quan trọng của việc bảo tồn các vùng đất ngập nước cho các loài chim di cư để tăng cường sự kết nối về sinh thái và thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan. Chính vì vậy, Bộ TNMT xem việc bảo vệ các vùng đất ngập nước quan trọng cũng như bảo tồn các loài chim di cư là nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong bảo vệ đa dạng sinh học trong 10 năm tới. Hiện nay Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

 

Box: Mỗi năm, hàng chục triệu chim di cư bay qua đường di cư kết nối các vùng đất ngập nước ở Bắc Á với Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và Úc. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng xuyên suốt châu Á đã dẫn đến việc mất đi một khu vực rộng lớn các vùng đất ngập nước ven biển, hậu quả là làm suy giảm nghiêm trọng số lượng nhiều loài chim nước. Một trong những loài bị đe dọa nhất trong khu vực của chúng ta là loài Rẽ mỏ thìa (Spoon-billed Sandpiper)

Linh Chi