Đổi mới công nghệ - “chìa khóa” cho tăng trưởng kinh tế

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 15:34, 12/10/2021

(TN&MT) - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tổ chức CSIRO’s Data 61 của Úc đã phối hợp nghiên cứu về việc “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đóng góp cuả công nghệ vào tăng trưởng kinh tế”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đổi mới công nghệ và sáng tạo công nghệ có tác động quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Để đạt được sự phát triển bền vững, cần tăng cường đổi mới công nghệ giữa các doanh nghiệp

Theo TS. Phạm Thu Hiền thuộc Tổ chức CSIRO’s Data 61 của Úc, qua nghiên cứu cho thấy, từ năm 2015, đổi mới công nghệ đã trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam. Đặc biệt là các ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ công nghệ cao. Hiện nay có một số doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam đã phát triển được năng lực và kỹ năng công nghệ tiên tiến. Những năng lực và kỹ năng này đến từ việc cải tiến và thích ứng các công nghệ nhập khẩu cho phù hợp bối cảnh Việt Nam. Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp đã tự cải tiến công nghệ thông qua việc thiết kế và tạo ra những công nghệ phức tạp hơn có thể bán ra quốc tế như Viettel, Vicostone. Những công nghệ mới với trình độ thế giới được phát triển trong nước có tiềm năng tạo ra các ngành xuất khẩu mới nổi cho Việt Nam. Các doanh nghiệp phát triển các công nghệ này thường là các doanh nghiệp công nghệ cao và quy mô lớn, hoạt động ở đường biên công nghệ của khu vực và thế giới.

Các chính sách về Công nghiệp 4.0 nhận dạng và hỗ trợ tạo ra các công nghệ hàng đầu thế giới có thể giúp ngành công nghiệp Việt Nam đi tắt đón đầu các giai đoạn công nghệ. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh đầu tư tốn kém vào công nghệ ngày càng dư thừa và kích thích sự phát triển của công nghệ mới và các ngành thâm dụng tri thức hơn hoặc các lĩnh vực mới nổi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn chậm trong việc tiếp nhận công nghệ khi so sánh với các nước có cùng mức thu nhập.

TS Hiền cho rằng, đổi mới công nghệ không phải là một quá trình dễ dàng. Công nghệ, trong hầu hết các trường hợp, không thể mua bán giống như các sản phẩm vật chất ở dạng thể hiện đầy đủ. Chuyển giao công nghệ thường yêu cầu đào tạo và phát triển kỹ năng, tài chính và thay đổi cơ cấu hoặc tổ chức. Quá trình đổi mới công nghệ nhìn chung diễn ra chậm, gia tăng và phụ thuộc vào trình độ của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ đơn giản và cơ bản để cải thiện hoạt động kinh doanh của mình. Đối với hầu hết các doanh nghiệp, quá trình đổi mới công nghệ mới chỉ dừng lại ở việc mua sắm thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, học hỏi các quy trình công nghệ mới và thực hiện thiết kế quy trình sản xuất/sản phẩm. Tuy nhiên, cũng xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp có khả năng giải mã công nghệ, tự thiết kế quy trình và chủ động mua công nghệ và thiết bị để sản xuất. Các doanh nghiệp từng bước có được khả năng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như triển khai công nghệ mới. Đây là các doanh nghiệp đạt được hiệu quả sản xuất cao thông qua việc mở rộng đường biên công nghệ hay giảm thiểu được các rào cản về đổi mới công nghệ thông qua tăng cường đầu tư vào mua sắm trang thiết bị, đào tạo hay mua, thuê các tài sản vô hình.

Để xây dựng được chính sách phát triển tối ưu, điều quan trọng là phải có một cái nhìn thực tế về thực trạng trình độ năng lực công nghệ của các ngành và sức mạnh của các thể chế liên quan đến hỗ trợ cho đổi mới và sáng tạo công nghệ. Cần có các chính sách phù hợp và hiệu quả để từng bước thúc đẩy phát triển năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực tư nhân. Trong báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đóng góp của công nghệ vào tăng trưởng kinh tế” cũng nêu rõ, các hỗ trợ nên chuyển dần từ tăng cường năng lực tổ chức, quản trị sang hỗ trợ nghiên cứu và phát triển và sáng tạo công nghệ mới. Cần có sự phối hợp các chính sách phù hợp với mức độ, khả năng đổi mới sáng tạo cũng như sự sẵn có của các chính sách và thể chế hỗ trợ của quốc gia để tạo được hiệu quả kinh tế lớn.

 

Mai Đan