Yên Bái: Sử dụng có hiệu quả đất lâm nghiệp

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 11:02, 12/10/2021

(TN&MT) - Từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, việc triển khai thi hành Luật được tỉnh Yên Bái nghiêm túc thực hiện, đặc biệt, việc quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng đã mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.

Yên Bái là tỉnh có nguồn tài nguyên đất, tài nguyên rừng phong phú với diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp hơn 520.000ha, chiếm 75% diện tích đất tự nhiên, độ che phủ rừng lớn trên 63%.

Trong quá trình triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại", Yên Bái ghi nhận sự thành công trong quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng gắn với đất quốc phòng, an ninh.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng tăng cường công tác quản lý, nâng cao sử dụng đất lâm nghiệp, từ việc quy hoạch giao đất, giao rừng, cho thuê rừng cho đến việc quản lý sử dụng bảo vệ phát triển rừng, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng. Qua đó, đã khai thác phát huy tốt tiềm năng đất đai nói chung và đất lâm nghiệp, đất rừng nói riêng nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Còn những chồng chéo

Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: Trong quá trình triển khai Nghị quyết số 19, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Yên Bái cũng gặp nhiều khó khăn.

Yên Bái là tỉnh có nguồn tài nguyên đất, tài nguyên rừng phong phú với diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp hơn 520.000ha.

Có thể kể đến tình trạng cho mượn đất xâm lấn, sử dụng đất không đúng mục đích còn khá phổ biến, hiệu quả sử dụng đất nhiều nơi còn thấp, việc sắp xếp chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của các lâm trường, công ty lâm nghiệp còn nhiều khó khăn; chính sách khoán bảo vệ rừng, cho thuê dịch vụ môi trường rừng còn nhiều bất cập, chưa thực sự khuyến khích người dân tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng phát triển kinh tế dưới tán rừng; trình tự thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội kể cả các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng thiết yếu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách pháp luật về đất đai lâm nghiệp và một số pháp luật có liên quan còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ như: Chính sách cho thuê đất, giao đất, cho thuê rừng, khoán bảo vệ rừng, cho thuê dịch vụ môi trường rừng, quản lý sử dụng đất và tài sản trên đất của các công ty lâm nghiệp sau cổ phần hóa. Cùng với đó, là công tác quản lý Nhà nước về đất đai có nguồn gốc nông lâm trường còn nhiều hạn chế, có nơi còn có biểu hiện yếu kém. Mặt khác, nguồn lực cho công tác quy hoạch xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu quản lý đất đai còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Cần đồng bộ chính sách pháp luật về đất lâm nghiệp

Với mong muốn, để chính sách quản lý đất đai thực sự mang lại hiệu quả, trước hết cần phải sớm xem xét sửa đổi bổ sung một số nội dung còn bất cập, chồng chéo của pháp luật về đất đai lâm nghiệp và pháp luật khác có liên quan nhằm đồng bộ thống nhất, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, cần phân cấp thẩm quyền trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong quyết định các vấn đề về đất đai lâm nghiệp.

Đồng thời, cần sớm hoàn thiện các quy hoạch có liên quan nhất là các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành về lĩnh vực đất đai nông nghiệp; khẩn trương xây dựng số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Cùng với đó, điều chỉnh bổ sung các quy định và cơ chế chính sách liên quan đến sắp xếp chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động của các công ty lâm nghiệp nhất là các quy định có liên quan đến quản lý đất đai, tài sản trên đất, xử lý tài chính nợ xấu, bao gồm cả việc có thể cho phá sản các lâm trường hoạt động yếu kém.

Thanh Ngà