Hậu Giang: Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 

Xã hội - Ngày đăng : 09:09, 12/10/2021

(TN&MT) - Hiện nay UBND tỉnh Hậu Giang đang tập trung chỉ đạo các Sở, ngành chức năng và địa phương tập trung hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản; đồng thời đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp khôi phục sản xuất ngành nông nghiệp.

Đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc phân phối các mặt hàng nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi tỉnh Hậu Giang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh kéo theo các chợ truyền thống ngưng hoạt động ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ và phân phối các sản phẩm nông sản. 

Thông tin với phóng viên, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Nhằm khôi phục sản xuất cũng như tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho người dân, UBND tỉnh đã yêu cầu Ngành nông nghiệp và các địa phương hướng dẫn người dân xuống giống và thu hoạch vụ lúa Thu đông, trong đó lưu ý các địa phương về việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ lúa”. 

Cùng với đó UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Ngành nông nghiệp tỉnh sớm hỗ trợ một phần chi phí đầu vào cho người dân, tạo điều kiện cho nhà vườn phát triển sản xuất. Đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường vận động người dân chăm sóc vườn cây ăn trái để đảm bảo đạt chất lượng, sản lượng; thực hiện tái đàn gia súc, gia cầm để duy trì đàn nuôi phục vụ tốt cho nhu cầu thị trường.

Đồng thời tỉnh Hậu Giang cũng đang hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, trái cây

Bên cạnh đó UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu Ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan và địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp tiêu thụ nông sản cho người dân trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Trong đó, Ngành nông nghiệp và Công thương tiếp tục liên kết, kết nối với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh để góp phần tiêu thụ nông sản còn tồn đọng cho người dân, còn các địa phương phát huy tính hiệu quả của những đội thu gom nông sản ra các điểm tập kết để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong khâu vận chuyển.

Ngoài ra các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cũng tập trung hỗ trợ hợp tác xã trong việc liên kết để hình thành kênh tiêu thụ nông sản theo hình thức mới, đó là hình thức thực hiện Combo cho một đơn hàng với nhiều loại mặt hàng đi kèm trong một hóa đơn. Từ những Combo này đang được các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, qua đó giúp hợp tác xã có kênh phân phối và tiêu thụ hàng nông sản còn tồn đọng. 

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản đang được UBND tỉnh Hậu Giang tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Đơn cử là vừa qua UBND tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ Nhà máy đường Phụng Hiệp sớm đi vào hoạt động để tiêu thụ khoảng 5.000 hecta mía cho bà con; đồng thời phê duyệt phương án sản xuất “3 tại chỗ” cho Công ty CP Thủy sản Biển Đông Hậu Giang để tiêu thụ khoảng 4.000 tấn cá da trơn của người dân trong tỉnh.

Ông Trương Cảnh Tuyên tin tưởng: “Nếu thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần giúp cho Ngành nông nghiệp của tỉnh đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là 2,25% vào cuối năm 2021 theo kế hoạch đã đề ra; đồng thời cũng tạo tiền đề phát triển cho năm 2022 và những năm tiếp theo”.

Các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Hậu Giang đang tích cực khuyến cáo người dân hạn chế dùng phân, thuốc thuốc hóa học trong sản xuất để bảo vệ môi trường 

Hướng đến nền nông nghiệp xanh

Hậu Giang là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như lúa, cây ăn trái, rau màu. Tuy nhiên trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn; đồng thời cũng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khi thị trường tiêu dùng ngày càng chú trọng đến những mặt hàng nông sản sạch. 

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó thời gian gần đây các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích, nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng phân, thuốc hữu cơ để tạo ra sản phẩm nông sản sạch, chất lượng.

Trong thời gian qua huyện Phụng Hiệp đang đẩy mạnh phát triển các vùng trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP; trồng lúa, khóm MD2 sử dụng phân, thuốc hữu cơ; sản xuất dưa lưới trong nhà kính; trồng rau trong nhà lưới theo hướng an toàn kết hợp với hệ thống tưới phun sương để tiết kiệm nước; đồng thời huyện Phụng Hiệp đang khuyến khích người dân chuyển khoảng 165 heca đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác theo mô hình nông nghiệp xanh.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sĩ, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Nông nghiệp Công nghệ cao West Food Bửu Long, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho rằng, vùng đất ấp Phương Thạnh thường xuyên nhiễm phèn nên việc trồng mía của người dân không mang lại kinh tế cao. Nhằm nâng cao thu thu nhập cho gia đình ông đã mạnh dạn chuyển toàn bộ 4 hecta đất trồng mía sang trồng khóm MD2 theo quy trình sản xuất sạch. 

Nông dân tỉnh Hậu Giang đang triển khai nhiều mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây trồng nhằm thích ứng với sự thiếu hụt nguồn nước do biến đổi khí hậu.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sĩ, quá trình chăm sóc khóm rất khỏe do toàn bộ phân bón và thuốc sử dụng là vô cơ nên rất an toàn sức khỏe cho người trồng; đồng thời sản phẩm tạo ra cũng an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ tốt cho môi trường. Đặc biệt trồng khóm MD2 không cần tưới nhiều nước mà cây vẫn xanh tốt và cho trái to, đây là cây trồng có thể giải bài toán về việc lo thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất tại những vùng bị xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp đang tích cực khuyến cáo người dân trong huyện hạn chế dần việc sử dụng nhiều loại phân, thuốc thuốc hóa học trong sản xuất để tiến dần đến việc sử dụng phân, thuốc hữu cơ. Có thể thấy tuy mô hình nông nghiệp xanh mới được địa phương triển khai thực hiện nhưng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân bằng những cách làm cụ thể và sự chung tay của doanh nghiệp”.

Tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang hiện nay cũng đã hình thành những vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn tại các xã như Hỏa Lực, Vị Tân,…Bà Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ Trạm Khuyến nông TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho phóng viên biết: “Để giúp nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chúng tôi đã khuyến cáo họ sản xuất theo hướng 3 giảm, 3 tăng và 1 phải, 5 giảm; đồng thời thường xuyên phối hợp với tổ kỹ thuật tại các xã, phường kiểm tra, theo dõi những mô hình sản xuất nông nghiệp để hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường”. 

Có thể thấy từ những mô hình sản xuất nêu trên là bước đệm quan trọng giúp cho tỉnh Hậu Giang nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, góp phần bảo vệ môi trường đất, nước, không khí, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

 

Lê Hùng