Quảng Ngãi: Lo đầu ra, nông dân giảm diện tích trồng vụ hoa Tết

Xã hội - Ngày đăng : 14:44, 11/10/2021

(TN&MT) - Thời điểm này, người trồng hoa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào vụ trồng hoa Tết. Tuy nhiên, khác với không khí khẩn trương, tất bật như mọi năm, năm nay do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên các nhà vườn phải dè dặt xuống giống, giảm diện tích trồng.

Xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi nơi được ví là “thủ phủ” trồng hoa cúc lớn nhất, nhì của khu vực miền Trung, nhưng khác với mọi năm, không khí ở đây khá trầm lắng, dù đây là thời điểm xuống giống cho vụ hoa Tết.

Đang xới tơi đất cho những chậu cúc mới lên mầm, bà Nguyễn Thị Than, ở thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa chia sẻ: Vụ cúc Tết năm nay, bà chỉ dám trồng 200 chậu cúc. Số lượng còn lại, bà Than vẫn đang đắn đo, không biết có nên tiếp tục xuống giống trồng vụ Tết.

Năm nay, người trồng hoa Tết ở Quảng Ngãi giảm số lượng chậu trồng so với các năm trước.

“Mấy năm trước vào thời điểm này tôi xuống giống khoảng 500 chậu hoa cúc các loại để phục vụ thị trường hoa tết. Làm không xuể, gia đình phải thuê nhân công để kịp thời vụ. Thế nhưng năm nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lo ngại không bán được hoa nên gia đình tôi đã giảm phân nửa lượng hoa so với mọi năm” – bà Than cho hay.

Người trồng hoa có tâm lý lo ngại thị trường tiêu thụ sẽ không bằng như mọi năm là hoàn toàn có cơ sở. Điển hình như vụ hoa Tết năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường ở một số tỉnh lân cận như Bình Định, Quảng Nam tiêu thụ chậm, người dân trồng hoa đã phải lao đao. Cá biệt, còn có tình trạng các đầu mối tiêu thụ chấp nhận mất tiền cọc chứ không mua hoa giao hẹn lúc đầu với chủ vườn.

Lượng hoa giảm hơn 35%, chiếm đa số vẫn là các chậu nhỏ kích cỡ 50cm - 60cm, số chậu 70cm - 1,2m không nhiều. 

Chính vì vậy, hộ nào bán được thì còn thu hồi vốn, có tiền đầu tư năm sau, còn nếu không bán được, nhà vườn có nguy cơ mất trắng. Vì vậy, không chỉ chị Than, mà hầu hết các nhà vườn đều xuống giống dè dặt hơn. Theo người dân thì lượng hoa giảm hơn 35%, chiếm đa số vẫn là các chậu nhỏ kích cỡ 50cm - 60cm, số chậu 70cm - 1,2m không nhiều. 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, ở thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) cho biết: “Lo ngại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống người dân, hạn chế thị trường tiêu thụ, cả làng hoa không ai dám trồng nhiều, diện tích giảm hẳn một nửa so với mọi năm, nếu không tiêu thụ được thì cũng hạn chế được thiệt hại.”

Theo khảo sát sơ bộ, riêng trồng các hộ trồng hoa cúc phục vụ tết năm nay đã giảm khoảng 200 hộ so với năm 2020, chỉ còn khoảng 500 hộ tham gia. Ngoài tâm lý lo sợ thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng, người trồng hoa còn bất an vì các yếu tố khác như dịch bệnh, thiên tai. Thực tế, mới đầu vụ nhưng nhiều diện tích đã bị hư hại, người trồng hoa phải tốn chi phí đầu tư, phục hồi lại. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và giá phân, thuốc liên tục tăng cao như hiện nay, chưa kể trở ngại của thời tiết, thì người trồng hoa cũng sẽ phải đối mặt với vụ hoa Tết kém vui.

Nông dân lo lắng không có thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo ông Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, năm nay dự báo người trồng hoa sẽ nhiều trở ngại do dịch bệnh và thời tiết không thuận lợi. Nhiều hộ giảm diện tích trồng hoa để tập trung cho vụ rau màu cuối năm.

“Địa phương cũng đang lên kế hoạch, tính toán các phương án, chủ động liên kết với các thị trường để hỗ trợ nông dân nếu việc tiêu thụ gặp khó khăn. Chúng tôi rất mong dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình thường, để mọi người đón Tết, vui xuân đầm ấm, người trồng hoa có thêm thu nhập”, ông Tân cho biết.

 

Anh Khuê