Diễn biến bão số 7 phức tạp, các địa phương chủ động ứng phó

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 20:56, 08/10/2021

(TN&MT) - Chiều 8/10, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó với bão số 7. Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp

Bão gần đảo Hải Nam

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 8/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 80km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão. 

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ, đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ, đi được 5-10km. Đến 13 giờ ngày 9/10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ, đi được khoảng 10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 13 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông ngay trên khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 11.

Gió mạnh, sóng lớn trên biển, cảnh báo lũ quét ở miền núi Bắc Bộ

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, trong chiều và đêm nay (8/10), trên vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh.

Trong chiều và đêm nay, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-3,5m, biển động; từ ngày mai, gió trên vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. 

Từ chiều nay (8/10) đến ngày 9/10, ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.

Ngoài ra, ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát biểu tại cuộc họp

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ ngày 9 - 12/10, ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xảy ra mưa to đến rất to do ảnh hưởng của bão số 7. Cụ thể, từ chiều 9/10 đến ngày 11/10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi trên 300mm; từ ngày 10 - 11/10, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm; từ ngày 10-12/10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm, có nơi trên 350mm.

Ông Hoàng Phúc Lâm cũng cho biết, từ ngày mai (9/10) đến ngày 13/10, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ 3 - 7m, trên các sông khu vực Bắc Bộ và hạ lưu các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ 1 - 4m.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, các sông ở Quảng Bình lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; đỉnh lũ trên các sông suối thượng lưu khu vực Đông Bắc, Việt Bắc và hạ lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu các sông chính ở khu vực Bắc Bộ còn dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình; ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp, đô thị ở các tỉnh khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ, như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Đã có 1 người mất tích

Theo báo cáo số 12/BC-PCTT&TKCN ngày 8/10/2021 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, đã có 1 người mất tích do bị lũ cuốn trôi. Hiện, chính quyền xã Duy Châu cùng UBND huyện Duy Xuyên đang tích cực tổ chức tìm kiếm nạn nhân.

Về tàu cá, đã kiểm đếm, hướng dẫn 59.106 tàu/263.051 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó: hoạt động ở khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình 4.470 tàu/15.046 LĐ; neo đậu tại bến: 54.636 tàu/248.005 LĐ. Các tỉnh đã thành lập Tổ phối hợp liên ngành để hướng dẫn, xử lý công tác neo đậu tại bến và phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình chưa có kế hoạch cấm biển.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Hồng và ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình diện tích lúa đã thu hoạch 368.000/624.912 ha; còn lại là 256.912 ha, trong đó, có 30%, tương ứng 77.000 ha đã đến thời kỳ thu hoạch. Hiện các tỉnh đang tổ chức thu hoạch những diện tích lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Khu vực Quảng Ninh đến Quảng Bình có 44 vị trí đê điều, xung yếu; 7 công trình đê, kè biển, cửa sông đang thi công dở dang. Các vị trí trực diện biển cần quan tâm đặc biệt là: đê biển Bình Minh 4 (Ninh Bình).

Về kế hoạch sơ tán dân, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống dịch Covid-19, dự kiến sẵn sàng sơ tán 70.440 hộ/260.722 người dân khu vực ven biển (Quảng Ninh 1946 hộ/6.048 người; Hải Phòng 3.054 hộ/10.716 người; Thái Bình 11.501 hộ/25.567 người; Nam Định 16.686 hộ/50.176 người; Ninh Bình 954 hộ/1.576 người; Thanh Hóa 6.516 hộ/29.316; Nghệ An 18.200 dân, Hà Tĩnh 658 hộ/9.823 dân; Quảng Bình 29.125 hộ/ 109.300 dân).

Đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (Hiện, có 4.619 đối tượng F0, F1/04 tỉnh). Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ.

Các đại biểu tham dự cuộc họp tại đầu cầu Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai

Sẵn sàng ứng phó

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, đánh giá cao các Bộ ngành, địa phương đã chủ động trong triển khai các biện pháp ứng phó bão số 7 trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đồng thời, đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ kịp thời thông báo đến người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Trên tuyến biển, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh, hiện nay, theo dự báo hướng đi và cường độ của bão còn diễn biến phức tạp. Do đó, các địa phương cần tổ chức kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn tàu thuyền không di chuyển vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu, tạo điều kiện cho các tàu thuyền các địa phương khác vào tránh trú bão, đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Đối với các huyện đảo lưu ý đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu trong đảo.

Với khu vực đồng bằng, các địa phương thực hiện sơ tán dân cư cần chú ý bám sát tình hình thực tế diễn biến của bão. Chủ động thông báo cấm biển theo tình hình cụ thể của từng địa phương.

Đối với khu vực miền núi, ông Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng thấp, trũng ven biển, sẵn sàng triển khai phương án di dời dân cư đảm bảo an toàn về người, tài sản, đồng thời đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa nhất là tại các trọng điểm xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước, kiên quyết dừng các công trường đang thi công.

Đồng thời, sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các khu vực ngầm tràn, khu vực có nguy cơ ngập sâu. Bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đảm bảo an toàn giao thông.

 

Thanh Tùng